Hài hước thịt “bẩn”

Báo SGGP số ra ngày 4-4 đã đăng bài “

Báo SGGP số ra ngày 4-4 đã đăng bài “Cơ quan chức năng tiếp tay cho thịt bò bẩn”. Theo đó, hơn 9.714kg thịt bò được Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội nhập khẩu từ Australia về Việt Nam trong năm 2012 đã bị Cơ quan Thú y vùng II Hải Phòng và Cục Thú y phát hiện có chứa vi khuẩn hiếu khí vượt 7,4 lần, cliform gấp 2,4 lần cho phép (qua hai lần kiểm tra vẫn như vậy), tức không đảm bảo điều kiện thông quan, theo luật thì bắt buộc phải tái xuất.

Nhưng không hiểu vì sao sau đó, Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng II vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xé lẻ lô hàng để kiểm tra lần thứ ba (không hề có trong quy định) và cho ra kết quả khác hẳn: Trong 9.714kg thịt bò nhập khẩu chỉ có 5.566kg thăn nõn bò và bắp bò không đảm bảo tiêu chuẩn, đề nghị chuyển sang làm thức ăn cho cá sấu, còn lại vẫn đủ tiêu chuẩn. Và như vậy, tất cả thịt “bẩn” lẫn thịt “không bẩn” vẫn được cấp giấy phép chứng nhận kinh doanh để thông quan vào nội địa.

Sau đó, việc tiếp tay của cơ quan thú y đã bị Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện. Ngày 11-10-2012, Thanh tra Bộ NN-PTNT ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội. Nhưng từ trước đó, vào ngày 5-10-2012, Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng II đã “nhanh tay” cho doanh nghiệp này thông quan cả lô hàng gồm “bẩn” và “không bẩn”. Thậm chí, đối với lô hàng thịt “bẩn” (theo như kết luận kiểm tra lần thứ 3), mặc dù chưa có văn bản đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng của cơ quan thú y, Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội đã ký hợp đồng bán cho Công ty Cá sấu Việt Nam (Hải Phòng) rồi.

Theo thủ tục, giấy tờ thì như vậy, nhưng điều khiến nhiều người nghi ngờ là trên thực tế, hơn 5,5 tấn thịt bò “bẩn” nhập khẩu có thật sự chuyển thành thức ăn cho cá sấu? Theo kết quả thanh tra, hơn 5,5 tấn thịt bò được Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội bán cho Công ty Cá sấu Việt Nam với giá chỉ có 8.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt bò thăn và bắp nhập từ Australia bán trên thị trường hiện nay lên tới 350.000 - 600.000 đồng/kg. Vậy số thịt bò dùng cho cá sấu liệu có chắc chắn không bị thất thoát ra bên ngoài? Bởi theo điều tra thì số thịt bò “bẩn” được chuyển về kho của công ty cá sấu mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng.

Sau đó, Công ty Cá sấu Việt Nam cũng chỉ có một báo cáo gửi Cơ quan Thú y vùng II nói rằng “đã cho cá sấu ăn hết”. Điều kỳ lạ ở chỗ, mặc dù đã tiếp tay cho thịt “bẩn” được thông quan, nhưng sau đó cả việc giám sát tiêu thụ số thịt bò “bẩn” cũng bị lơ là, không hiểu vì sao cơ quan thú y lại có thể tin tưởng được vào sự “tự giác” của doanh nghiệp?

Trở lại chuyện khi Thanh tra Bộ NN-PTNT ra quyết định xử phạt doanh nghiệp đồng thời buộc phải tái xuất lô 5,5 tấn thịt bò “bẩn” hoặc tiêu hủy vì theo luật phải như vậy, nhưng “hài hước” thay, khi có quyết định thì thịt đã “đem cho cá sấu ăn rồi”.

Hỏi tại sao luật đã quy định rành rành như vậy mà vẫn cho phép chuyển đổi làm thức ăn cho cá sấu, ông Đoàn Thành Lũy, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng II, cho rằng: “Thanh tra họ toàn ngồi làm luật ở... trên mây. Họ làm luật nhưng nhiều khi có nắm hết các quy định đâu, có khi còn phải hỏi chúng tôi. Bắt doanh nghiệp phải tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thú y sao được, đó đều là thực phẩm cao cấp”.

Từ sự việc ở Cơ quan Thú y vùng II, hiện nay dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi: Phải chăng vụ nhập gần 10 tấn thịt bò bẩn, sau đó xác định chỉ có hơn 5,5 tấn “bẩn” và cho tất cả thông quan, đưa vào thị trường tiêu thụ là chỉ một vụ hy hữu hay đang là phần nổi của tảng băng chìm? Nhiều người cho rằng, hiện nay đang có nghịch lý ở chỗ quy định về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu làm thực phẩm do chính Cục Thú y ban hành rồi lại do hệ thống thú y thực hiện, có khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi? Liệu người tiêu dùng có thể yên tâm với vai trò “gác cổng”, kiểm soát an toàn vệ sinh đối với thực phẩm nhập khẩu, khi mà hiện nay thực phẩm “bẩn” đang tìm mọi cách tuồn vào nước ta, với góp sức của chính các doanh nghiệp trong nước vì lợi nhuận cao?

Văn bản “đá” nhau 

Mặc dù theo luật quy định thì thực phẩm “bẩn” không được thông quan, không được chuyển đổi mục đích sử dụng mà phải tái xuất hoặc tiêu hủy nhưng ngày 5-10-2012, Cục Thú y đã có văn bản 1632/TY-KD giao Cơ quan Thú y vùng II có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch làm thực phẩm (cho người) cho 5.963,68kg sản phẩm từ bò, cừu đông lạnh đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi cho 5.566,73kg thị bò đông lạnh không đạt tiêu chuẩn.

Trong khi đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ NN-PTNT đối với Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp Hà Nội ngày 11-10-2012, ngoài phạt số tiền 7,5 triệu đồng còn yêu cầu Cơ quan Thú y vùng II “Thực hiện đúng văn bản số 1574/TY-KD của Cục Thú y về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm đông lạnh, ướp lạnh nhập khẩu làm thực phẩm”. Cụ thể là theo văn bản số 1574/TY-KD thì thực phẩm nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh thú y phải tái xuất hoặc tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục