“Hai lúa” tiếp cận Công viên Phần mềm Quang Trung

Có thể nói, lần đầu tiên, nông dân ngoại thành có điều kiện tiếp cận Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) nhờ đầu mối là Hội Nông dân TPHCM. Đây là 13 doanh nhân nông dân thích tiếp cận cái mới.
“Hai lúa” tiếp cận Công viên Phần mềm Quang Trung

Có thể nói, lần đầu tiên, nông dân ngoại thành có điều kiện tiếp cận Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) nhờ đầu mối là Hội Nông dân TPHCM. Đây là 13 doanh nhân nông dân thích tiếp cận cái mới.

Buổi làm việc ban đầu hy vọng sẽ mở ra sự hợp tác giữa hai bên trong việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đô thị ở thành phố nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Giám đốc QTSC Lâm Nguyễn Hải Long nhận quà tặng là hoa lan và bánh tráng - hai sản phẩm đặc trưng của các doanh nhân nông dân

Giải quyết nhiều nhu cầu thực tế

Do lần đầu tiếp xúc, chưa hiểu rõ nhu cầu của nông dân nên lãnh đạo QTSC chỉ giới thiệu 3 công ty để giới thiệu những sản phẩm công nghệ đang được ứng dụng vào sản xuất nhưng chưa được phổ biến trong nước. Mở đầu là Công ty Global Cyber Soft với sản phẩm hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao Smart Agri trong trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản. Mô hình sử dụng công nghệ cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm trong đất… và những cảm biến khác giúp nông dân biết được lượng phân bón sử dụng có phù hợp không, có thể cài đặt quy trình tưới tự động cây trồng một cách linh động theo nhu cầu (thời gian nào, bao lâu, lượng nước tưới…). Cùng với những thiết bị, công nghệ này giúp điều khiển môi trường phù hợp, đáp ứng điều kiện theo yêu cầu từng loại cây trồng. Phần mềm còn giúp chọn giống, quy trình canh tác chuẩn, giúp nông dân tính toán trước chi phí sản xuất mùa vụ, giúp chọn giống, quy trình canh tác chuẩn nhờ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), khấu hao tài sản, dự trù chi phí, đưa ra giải pháp tối ưu đối với từng đối tượng để có năng suất và chất lượng sản phẩm tốt nhất. Hệ thống giúp phát hiện những sự cố khi cài đặt và gửi tin nhắn, email cảnh báo cho người sử dụng biết tình huống. Có thể điều khiển thiết bị từ xa như bật tưới, xem nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, tốc độ gió…

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, giải pháp này đã đoạt giải thưởng năm qua. Những phần mềm như thế này phát huy hiệu quả khi ứng dụng trên diện tích hay không gian rộng lớn, giúp quản lý và hoạt động theo đúng quy trình được cài đặt sẵn. Giải pháp này có thể thay thế phần mềm của Israel với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Với phần mềm của Công ty Nông Hữu Thuận Sinh, công ty thực hiện chức năng “cày sâu, cuốc bẫm” đúng nghĩa, nhưng rất chuyên nghiệp. Nhiều năm trước, khi mọi người chỉ chú trọng đến việc nuôi bò sữa thì công ty đã nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công nghệ cao vào sản xuất và cung ứng thức ăn thô xanh ủ chua, nhưng lúc đó chỉ để xuất khẩu cho Nhật Bản hay Brunei vì nhu cầu trong nước chưa có. Nhờ việc ứng dụng phần mềm vào quản lý từ xa nên công ty có thể hợp tác, liên kết hay đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của khách hàng ở lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, công ty làm dịch vụ cung ứng thức ăn thô xanh ủ chua cho công ty trong nước như trang trại bò thịt 2.000 con ở Gia Lai, hay các trang trại bò sữa của Vinamilk… với giá bán chỉ 850 đồng/kg và mua lại phân bò cũng với giá đó.

Con chip và bộ não nhân tạo

 

* Với cách làm này, Hội Nông dân TPHCM triển khai Quyết định 1469 của UBND TPHCM về việc hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về nông thôn, đến với bà con nông dân; giúp nhà nông tiếp cận thành tựu công nghệ mới ứng dụng trên thế giới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đô thị ở TPHCM để nâng cao thu nhập.

 

Riêng với Công ty Greenvity Communications, thế mạnh của công ty là sản xuất các con chip thông minh với bộ não nhân tạo được sáng chế từ thung lũng Silicon của Mỹ, ứng dụng trong việc kết nối giữa các thành phần theo nhu cầu của người đặt hàng, sao cho việc sử dụng hiệu quả nhất. Ưu thế con chip này là sử dụng cả đường truyền internet và hệ thống dây điện; tự động chọn ứng dụng phương tiện nào để đưa thông tin đến người sử dụng, từ đó ra quyết định phù hợp nhất theo sự cài đặt trước đó.

Có thể nói, chỉ với 3 công ty này, những doanh nhân nông dân đã tỏ ra phấn khởi khi có nhiều phần mềm ứng dụng trong nông nghiệp. Ông Võ Thành Dũng, có trang trại tại vùng đất phèn Bình Chánh, cho biết: “Những thông tin này giúp cho chúng tôi có nhiều lựa chọn các sản phẩm ứng dụng vào sản xuất; giúp mở mang kiến thức, thay đổi tư duy trong việc hoạch định chiến lược sản xuất”. Bà Ánh Lan, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Bình Minh, đã đặt hàng cụ thể việc chăm sóc cá giống và cá nuôi thịt. Trong khi đó, với hộ trồng lan, bà Trần Thị Nhỏ (ấp 1, xã Bình Mỹ, Củ Chi) lại tâm đắc với con chip chống trộm nhờ phân biệt được con người với con vật hay chiếc lá. Bà cho biết đã sử dụng thiết bị chống trộm của Trung Quốc, nhưng đã bị mệt mỏi hơn khi cả đêm phải nghe tiếng chuông báo động liên tục chỉ vì… chó, mèo, chiếc lá rơi hay cơn gió mạnh. Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, chủ  vườn lan Huyền Thoại 5ha (Củ Chi), lại quan tâm đến tính hiệu quả của các con chip có bộ não nhân tạo trong việc quản lý trang trại rộng lớn và phân tán.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, đây là bước đầu thăm dò, QTSC sẽ làm việc với Hội Nông dân TPHCM để nắm bắt nhu cầu, qua đó đặt hàng các hãng công nghệ trong QTSC. Nhiều công nghệ thông tin trong QTSC đã có và xuất khẩu từ lâu, có thể ứng dụng hay điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, giúp quản lý không chỉ bề mặt của đất, của cây mà còn quản lý cả phần dưới đất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Trần Trường Sơn, người thiết kế chuyến đi cho biết, thật là vô lý khi QTSC đặt gần nơi sản xuất nông nghiệp nhưng người nông dân không hưởng lợi từ những sản phẩm do QTSC làm ra.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục