SGGP).- Đó là thông tin được bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết ngày hôm qua (15-10), sau 3 ngày được phẫu thuật ghép gan cho hai mẹ con C.T.K.Đ. (52 tuổi, ở Đắk Min, Đắk Nông).
Theo BS Thảo, hai bệnh nhân (cả người hiến gan và người nhận) đã tỉnh táo, ăn uống được, đi lại nhẹ nhàng và trò chuyện được với nhau. Cả hai được điều trị trong điều kiện vô trùng tuyệt đối, theo dõi chặt chẽ theo quy trình ghép gan. Các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở) cả hai đều ổn định. Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan, tiết mật, mạch máu, miễn dịch chống thải ghép đều trong dự kiến, diễn tiến thuận lợi…
Người con đã cho 2/3 gan của mình để ghép cho mẹ và dự kiến khoảng 6-8 tuần sau gan mới sẽ được tái sinh khoảng 60%-80% thể tích gan và có thể xuất viện trong vòng 2 tuần điều trị. Riêng người mẹ, ít nhất sau 1 tháng cách ly theo dõi điều trị phản ứng thải ghép nghiêm ngặt mới có thể xuất viện.
Q.CHI
- Kiểm soát việc bán thuốc Recotus
(SGGP).- Sở Y tế TPHCM cho biết đã có văn bản gửi đến phòng y tế các quận, huyện yêu cầu tăng cường quản lý loại thuốc trị ho Recotus. Sở Y tế yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc phân phối lẻ loại thuốc nói trên và việc bán lẻ phải theo toa, hạn chế tối đa bán thuốc cho học sinh trong độ tuổi đến trường và khuyến cáo học sinh dưới 12 tuổi không nên sử dụng quá liều quy định…
Văn bản yêu cầu trên xuất phát từ thông tin Báo SGGP phản ánh ngày 4-10 vừa qua gần 20 học sinh trường THCS Bình An (quận 2) có dấu hiệu ngộ độc thuốc Recotus sau khi uống và được cấp cứu tại Bệnh viện quận 2 TPHCM.
Q.CHI
- Giám sát chặt bệnh tay chân miệng ở trường mầm non
(SGGP).- Ngày 15-10, Sở Y tế TPHCM cho biết đang kết hợp với Sở GD - ĐT TPHCM triển khai giám sát dịch bệnh tay chân miệng ở các trường mầm non. Theo đó, các trường tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh đồng thuận cho trẻ ở nhà khi bị bệnh. Cho dù trẻ sốt hay bệnh vì lý do gì phụ huynh cũng nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để phòng tránh lây lan bệnh tay chân miệng cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát để phát hiện trẻ bệnh ở trường, lớp; nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch thường quy là rửa tay thường xuyên bằng nước sạch hoặc xà phòng, làm sạch lớp học (nơi vui chơi, ăn nghỉ, đồ chơi, bề mặt tiếp xúc…) hàng ngày, khử khuẩn mỗi tuần…; báo cáo ngay cho y tế địa phương khi có ca nghi ngờ mắc tại trường, lớp...
TG.LÂM