“Hai nhà” trong một cây

Trang trại hoa nhiệt đới hiện đại
“Hai nhà” trong một cây

TPHCM xác định nông nghiệp đô thị là hướng chuyển dịch chính của ngành nông nghiệp. Trong đó, những cây con phù hợp với diện tích nhỏ hẹp nhưng tạo ra giá trị kinh tế cao sẽ được khuyến khích chuyển đổi với nhiều ưu đãi như hỗ trợ lãi suất, vốn vay… Nhờ đó, diện tích lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác tăng mạnh. Trong đó, hoa kiểng là cây trồng có diện tích tăng khá nhanh thời gian qua, vì thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

Trong trang trại trồng lan của anh Nguyễn Mạnh Khải.

Trong trang trại trồng lan của anh Nguyễn Mạnh Khải.

Trang trại hoa nhiệt đới hiện đại

Mỗi lần về Củ Chi, huyện được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM, đều có thêm cái mới. Điển hình là trang trại hoa cắt cành Dendrobium và Mokara của anh Nguyễn Mạnh Khải (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội). Bước vào cơ ngơi trồng hoa rộng 2ha này, nhiều người rất ngạc nhiên, ở TPHCM mà lại có trang trại hoa kiểu mẫu hiện đại đến như vậy. Nhìn vào cách thiết kế nhà vườn, hệ thống nước tưới tự động và các thiết bị được đầu tư cho thấy khả năng tài chính và nhất là cách đầu tư bài bản của một người đã tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới. Anh Khải đã bỏ vào đây bước đầu hơn 7 tỷ đồng để thiết kế và trồng 300.000 gốc lan Dendrobium và 50.000 gốc lan Mokara nhập khẩu từ Thái Lan.

Tổng chi phí đầu tư cả 2ha này khoảng 12,6 tỷ đồng. Theo anh Khải, việc nghiên cứu và nhân giống cũng như tạo giống hoa của riêng Việt Nam và trang trại là mục tiêu trong thời gian tới. Qua cách tiếp chuyện cho thấy anh đã có sự nghiên cứu khá kỹ về nghề này và cũng có thể nói, anh đã đặt cược vào loại cây trồng này. Bởi anh cho biết, khi tìm hiểu thị trường mới thấy, nhu cầu hoa, nhất là lan cắt cành của TPHCM còn rất nhiều, lượng nhập khẩu lan cắt cành từ Thái Lan vào TP mỗi năm rất lớn.

Theo ông Trương Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, trước đây, mỗi tháng TPHCM nhập khẩu khoảng 20.000 cành lan từ Thái Lan, con số này hiện nay đã giảm nhưng còn khá lớn. Những người kinh doanh hoa sỉ tại các chợ hoa đầu mối TPHCM như Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ đều mong ký hợp đồng với anh Khải khi đến mùa thu hoạch. Trong số gần 2.000ha hoa kiểng ở TPHCM có 190ha lan cắt cành, trên 520ha hoa mai, 1.116ha hoa nền và cây kiểng, bonsai...

Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Củ Chi là huyện có diện tích hoa kiểng nhiều nhất với hơn 500ha, trong đó lan cắt cành (Mokara, Dendrobium, Catlleya, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium…) hơn 100ha. Với tốc độ này, năm 2015 diện tích hoa kiểng TP sẽ 2.150ha, với 400ha lan cắt cành. Hiện nay nhiều nhà vườn ở Củ Chi có diện tích khá lớn 2 - 3ha. Theo Hội Sinh vật cảnh TPHCM, lượng hoa cắt cành ở ngoại thành và quận ven mới đáp ứng khoảng trên 20% nhu cầu của TP, hoa từ TP Đà Lạt cung cấp khoảng 35%, số còn lại phải nhập khẩu.

“Bà mối”

Thế nhưng việc tiêu thụ lan cắt cành ở TP khi lượng hàng hóa ngày càng tăng lên bắt đầu gặp không ít khó khăn. Do đó, việc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT) tổ chức tham quan thực tế nhà vườn trồng hoa cắt cành tại huyện Củ Chi cho các tiểu thương chợ đầu mối bán hoa ở chợ hoa Đầm Sen (quận 11), chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10)… có thể xem là sự kết nối giữa nhà vườn và nhà kinh doanh khá kịp thời.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Đầm Sen Lý Phú Quý cho biết nếu không có chuyến đi này nhiều nhà kinh doanh hoa sỉ vẫn chưa hình dung hoa được trồng như thế nào và thu hoạch (cắt) ra sao. Nhờ chuyến tham quan, tiểu thương các chợ hoa đầu mối ở TP có thể hiểu hơn tình hình sản xuất, khả năng cung ứng và tiêu thụ hoa cũng như cung cấp cho nhà vườn những thông tin nhu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh trong quá trình sản xuất. Qua đó có thể tiến tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa nhà kinh doanh và nhà vườn.

Chuyến khảo sát cũng cho thấy khả năng tiếp thị của nhà vườn có bước chuyển rõ nét. Chủ nhà vườn lan cắt cành Ngọc Tuyết (xã Hòa Phú) dự kiến sắp tới sẽ làm đầu mối cho tất cả nhà vườn ở huyện trong việc giao dịch với các nhà kinh doanh sỉ tại TP và nhiều nơi khác.

Trước đó, Sở NN-PTNT cũng đã sắm vai “bà mối”, cùng với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP và Hội Khách sạn TP nhằm kết nối giữa người sản xuất và hệ thống các khách sạn, nhà hàng ở TP. Sở NN-PTNT đã khảo sát ở ngoại thành với ngành du lịch để chọn một số nhà vườn đẹp làm điểm du lịch mới cho du khách trong và ngoài nước. Việc kết nối nhà vườn trồng hoa kiểng với hệ thống các khách sạn sẽ giúp hai bên gắn kết chặt với nhau hơn để sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả, giảm lượng hàng nhập khẩu.

Công Phiên

Bao giờ tự chủ giống lan?

Chỉ cần diện tích nhỏ, lại có giá trị lớn nên diện tích lan cắt cành của nông dân TPHCM không ngừng tăng lên, từ 20ha năm 2003 lên 190ha tập trung ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Ngay cả những địa phương trước đây không thể sản xuất do nguồn nước ngọt hạn chế như Nhà Bè, Cần Giờ bây giờ đã có nhiều điểm trồng. Nhưng nổi bật là Củ Chi, nơi lâu nay thuần sản xuất cây lương thực thực phẩm, nay lại là địa phương có diện tích trồng lan cắt cành lớn nhất (hơn 100ha trong số khoảng 500ha hoa kiểng).

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TPHCM, năm 2010 thành phố có 771 hộ sản xuất hoa lan quy mô từ 50m²/hộ đến 3ha/hộ. Củ Chi và Hóc Môn tuy đi sau nhưng đã vượt các địa phương khác với trên 400 hộ sản xuất hoa lan, quy mô trên 1.000m2/hộ trở lên. Đây là một kết quả khá bất ngờ bởi lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, trồng hoa, nhất là lan cắt cành khó bán. Sản lượng hoa lan sản xuất tại thành phố hàng năm khoảng 2,3 triệu chậu và 2,7 triệu cành với giá trị sản lượng gần 123,4 tỷ đồng/năm. Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng lan đã tác động tích cực vào việc nâng cao thu nhập người dân ở các địa phương.

Nhiều hộ nông dân nhờ đó mà trở nên khá giả, tiêu biểu như anh Trần Văn Bạch, chị Nguyễn Thị Gấm (Bình Tân), anh Huỳnh Văn Hùng, Nguyễn Văn Đứng (Nhà Bè), anh Trần Văn Xê, chị Lê Thị Như Ý (Hóc Môn), chị Trần Ngọc Tuyết (Củ Chi), ông Nguyễn Văn Trận, anh Hồ Văn Tuấn (quận 9), ông Nguyễn Tấn Tài (Thủ Đức), ông Trần Văn Hai (Gò Vấp)… Nhiều người biết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, qua đó xuất hiện những mô hình trồng và kinh doanh lan kiểu mẫu (giống mới, thiết kế vườn, sử dụng máy móc thiết bị tưới phun) có doanh thu cao như ông Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên, Bình Chánh), quy mô 1ha, doanh thu 2,1 tỷ đồng/năm; hoặc vườn lan của chị Trần Ngọc Tuyết (xã Hòa Phú, Củ Chi), doanh thu 4 tỷ đồng/năm/2ha), vườn lan của chị Lê Thị Như Ý (xã Tân Xuân, Hóc Môn) quy mô 0,3ha, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm… được nông dân các nơi tham quan học tập, nhân rộng.

TPHCM không chỉ đi đầu trong sản xuất mà còn là đầu mối xuất nhập các loại lan với các nước. Sản lượng hoa lan cắt cành từ nước ngoài hoặc từ Lâm Đồng về TPHCM rất lớn, khoảng 4 triệu cành/năm, riêng lan nhập từ Trung Quốc khoảng 600.000 chậu/năm. Theo Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, số lượng và chất lượng lan giống tốt vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sức tiêu thụ của thị trường; tình trạng sản xuất hoa lan còn khá nhỏ lẻ, tự phát trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, chưa đủ sức đáp ứng những đơn đặt hàng lớn và xuất khẩu, là những tồn tại cần khắc phục để ngành trồng lan phát triển tốt và bền vững hơn.

Việc Trung tâm Công nghệ sinh học bước đầu sưu tập 318 giống lan (có 80 giống lan rừng quý hiếm) và cung cấp ra thị trường hàng năm 150.000 cây con cấy mô chỉ là nỗ lực ban đầu so với nhu cầu còn rất lớn. Giống là khâu quyết định với nghề trồng lan bởi đầu vào còn lệ thuộc việc nhập giống nên chi phí đầu tư khá cao (với Dendrobium khoảng 2 tỷ đồng/ha, Mokara khoảng 3,7 - 4 tỷ đồng/ha), làm kìm hãm tốc độ phát triển so với nhu cầu thực hiện nay.

Đặng Văn Thành

Tin cùng chuyên mục