Hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Tại phiên họp sáng 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

(SGGPO).- Tại phiên họp sáng 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Bổ sung quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua tập hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (tại Mục 2 Chương XI). Trong đó xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này; còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

Ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa về chính quyền địa phương ở những đơn vị hành chính hải đảo (để phù hợp với Hiến pháp là tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo) cũng được Ủy ban Pháp luật nhìn nhận là có cơ sở và đề nghị tiếp thu.

Hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến. Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục báo cáo 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương như sau:

Phương án 1: Quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Phương án 2: Quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Với Phương án không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì cách thức thành lập Ủy ban nhân dân phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án sau:

+ Phương án thứ nhất: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

+ Phương án thứ hai: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục