Ngày 27-10, theo hãng Reuters, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý (21km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây được xem là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở biển Đông.
Bãi đá Vành Khăn - nơi Trung Quốc đang triển khai bồi đắp, xây dựng trái phép -thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Phù hợp luật pháp quốc tế
Một quan chức quốc phòng của Mỹ giấu tên cho biết, việc tuần tra tại khu vực trên nằm trong các hoạt động thông thường trên biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chuyến tuần tra của tàu USS Lassen ở khu vực xung quanh bãi đá Subi và Vành Khăn có sự tham gia hộ tống của các máy bay trinh sát Hải quân Mỹ, vốn thường xuyên tiến hành hoạt động trong khu vực. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần tới. “Chúng tôi sẽ tuần tra trên biển, trên không ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép”, quan chức giấu tên của Mỹ cho hay.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cùng ngày khẳng định việc tàu Hải quân Mỹ tuần tra ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép là một nguyên tắc quan trọng, đặc biệt là biển Đông, bởi đây là tuyến giao thương huyết mạch trên biển trị giá hàng tỷ USD/năm. Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, tàu chiến của Mỹ có thể đi đến bất kỳ khu vực nào nằm trong vùng biển quốc tế mà Mỹ muốn. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần khẳng định sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào được luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã hoan nghênh việc Mỹ tuần tra trên biển Đông, nhấn mạnh quyền tự do hàng hải phải được tôn trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne khẳng định Australia hoàn toàn ủng hộ tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế ở tất cả các khu vực, trong đó có cả biển Đông.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang lại lớn tiếng cáo buộc việc Mỹ tuần tra là “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển mà không được sự cho phép của Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố chủ quyền hết sức phi lý trên phần lớn biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Quyết tâm của Washington
Ian Storey, một chuyên gia về biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định, quyết định triển khai một tàu khu trục chứ không phải là một tàu nhỏ hơn cho thấy quyết tâm của Washington. “Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc rằng họ thực sự nghiêm túc trong vấn đề an ninh hàng hải ở biển Đông”, chuyên gia Storey nói.
Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Tổng hợp Australia thì nhận định, đây là một lời cảnh báo dành cho Bắc Kinh rằng Mỹ phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua. WSJ dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo Trung Quốc đang cố thay đổi các nguyên tắc trên biển Đông khi cho xây dựng trái phép thực thể trên khu vực này và “nếu không thách thức Trung Quốc tức là chấp nhận điều Bắc Kinh làm là đúng” .
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có các bãi đá Subi và Vành Khăn, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi đề cập tới thông tin Mỹ có thể đưa tàu chiến vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 15-10-2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này” trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)