Giáo sư Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội, là nhà nghiên cứu địa lý lịch sử Việt Nam nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ. Ông từng học ở Trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941) và Đại học Công giáo Paris (1951-1953). Ông nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. NXB Trẻ vừa ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm mới của ông.
Việt Nam - Quốc hiệu và cương vực Hoàng Sa, Trường Sa
Cuốn sách này của GS Nguyễn Đình Đầu thực ra không phải mới. Chính thức thì đây là một tái bản của bộ sách Việt Nam - Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, xuất bản lần đầu năm 1999. Tuy nhiên, có thể xem đây là một công trình mới vì có nhiều bổ sung, chiếm một phần quan trọng trong tác phẩm. Phần bổ sung đó là các tài liệu, bản đồ cổ ra đời từ cách nay hơn 500 năm, ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì thế, tên đầy đủ của tác phẩm lần này là Việt Nam - Quốc hiệu và cương vực Hoàng Sa, Trường Sa.
Sách được chia làm hai phần: “Quốc hiệu và Cương vực” gồm bốn chương ghi chép súc tích sử liệu kèm nhiều sơ đồ và bản đồ qua 4 thời kỳ lịch sử của đất nước. Thời kỳ dựng nước, giai đoạn Hùng Vương dựng nước Văn Lang rồi Thục Vương chiếm Văn Lang đổi tên nước là Âu Lạc. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập, từ nước Nam Việt năm 207 trước Công nguyên đến khi Lý Bôn xưng Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân với cương vực và các cuộc tranh đấu với các đời vua nhà Tùy, nhà Đường (Trung Quốc) năm 603 - 907. Thời kỳ độc lập tự chủ, từ khi họ Khúc dấy nghiệp và họ Ngô dựng nghiệp năm 907 - 959 đến cương vực Đại Việt thời Tây Sơn (1771 - 1802). Sau cùng là thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam, ghi chép cương vực và quốc hiệu nước ta từ triều Nguyễn (1802 - 1945) đến nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Kết thúc phần 1, sách thống kê một bảng tóm lược quốc hiệu, thủ đô và dân số nước ta từ thời Giao Chỉ (năm 6000 trước Công nguyên) đến năm 2011.
Phần hai: “Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa” có 6 chương, hơn 100 trang với nhiều tư liệu, bản đổ cổ nhằm khẳng định một sự thật là trong lịch sử, cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được các triều đại, nhà thám hiểm thế giới ghi nhận thuộc chủ quyền Việt Nam.
Mở đầu phần này, tác giả cho đăng Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) thuộc triều Nguyễn và viết: “Đây là bản đồ ghi chép nước ta đầy đủ về cương vực, cả lãnh thổ và lãnh hải, trước khi Pháp tới xâm lăng. Lãnh thổ nước ta bị thu hẹp khá nhiều, nhưng nay ta vẫn tôn trọng các đường “biên giới lịch sử”. Khối quần đảo Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa có dáng hình tương tự như cả ngàn bản đồ cổ Tây phương từ năm 1525 đến đầu thế kỷ 19 với tên gọi Paracel hay Pracel là của Việt Nam. Khoảng giữa thế kỷ 19, họ mới gọi phần Trường Sa là Spratly và chia thành 2 quần đảo cách xa nhau”.
Ngoài ra, GS Nguyễn Đình Đầu còn dẫn ra 2 bản đồ An Nam quốc (thời Hồng Đức, năm 1490) và Vương quốc An Nam (Alexandre Rhodes, năm 1650), tác giả nhận định hai bản đồ này: “đã biểu hiện khá rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo Việt Nam đương thời”. Tác giả nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước phương Tây thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel (Costa da Pracel) ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân, Indonesia hay Mã Lai. Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”.
Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức
Tác phẩm thứ hai của GS Nguyễn Đình Đầu ra mắt bạn đọc nhân dịp này lại là công trình nghiên cứu về một nhân vật lịch sử: danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Khác với nhiều công trình nghiên cứu khác về Nguyễn Trường Tộ, trong tác phẩm này, tác giả đặt trọng tâm phân tích mối quan hệ phức tạp giữa Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức vào giai đoạn từ năm 1861 đến 1871. Tác phẩm được thực hiện dựa trên 58 di thảo, điều trần mà ông gửi lên triều đình để bàn về việc đối phó với sự xâm lược của Pháp khi đó.
Thông qua những tài liệu trao đổi của Nguyễn Trường Tộ với triều đình, tác phẩm đã phản ánh cái nhìn của ông với thời cuộc và với những gì lịch sử đã trải qua đã cho thấy trí tuệ của Nguyễn Trường Tộ khi đề ra những kế hoạch có lợi cho đất nước trong bối cảnh đó. Bên cạnh đó, cách thức phản ứng của triều đình với các kế hoạch, đề xuất của ông cũng như với tình hình thời cuộc khi đấy cũng cho bạn đọc hiểu thêm một phần về nguyên nhân dẫn đến những sự kiện lịch sử giai đoạn Pháp xâm chiếm nước ta.
TƯỜNG VY