Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng về chính sách hậu phương quân đội, chăm lo thân nhân liệt sĩ, thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa trao quyết định “công nhân viên quốc phòng” và nhận vào làm việc cho Nguyễn Thị Dung, vợ của liệt sĩ trung úy Phan Văn Hạnh (hy sinh tại đảo Tốc Tan C - Trường Sa ngày 17-1-2014 khi làm nhiệm vụ tuần tra quanh đảo) và Vương Thị Trâm, vợ của liệt sĩ đại úy Dương Văn Bắc (hy sinh tại nhà giàn DK1/11 trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra thiết bị vật cản nhà giàn ngày 7-10-2014).
Tại buổi nhận quyết định, cả hai người vợ liệt sĩ đều không cầm được nước mắt khi nhắc lại quá khứ đau thương. Chị Vương Thị Trâm nghẹn ngào: “Sự mất mát đau thương là vô hạn, nhưng được làm việc trong quân đội cũng phần nào giúp tôi nguôi ngoai được thương nhớ, ổn định cuộc sống, hai con sẽ được học hành”. Chị Nguyễn Thị Dung cảm ơn quân đội đã giúp cô toại nguyện ước mơ làm cô giáo ở Căn cứ 696 - đơn vị chồng chị công tác trước lúc hy sinh. Chị Trâm được nhận vào làm quản lý tại đơn vị của chồng trước đây công tác (trước đó chị Trâm học kế toán nhưng làm hợp đồng văn thư cho Trường Tiểu học Phước Thắng, phường 11, Vũng Tàu). Chị Dung được làm việc ở nhà trẻ mẫu giáo Căn cứ 696 Vùng 2 Hải quân (Đồng Nai).
“Tạo công ăn, việc làm cho vợ liệt sĩ là thể hiện chính sách hậu phương quân đội; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Đơn vị luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để vợ liệt sĩ có việc làm, ổn định cuộc sống, nuôi dạy con cái”, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên DK1, nói.
MAI THẮNG