Hai vụ đánh bom, hai quốc gia, hai thái độ

London 2005. Lẽ ra sáng thứ năm ngày 7-7 cả nhà mình phải bắt tàu điện ngầm tới sứ quán Thụy Điển xin visa. Ông chồng kêu thứ Năm bận, thế là đi trước một hôm. Xong việc cả nhà tranh thủ trời đẹp đi chơi khắp nơi, lại còn qua thăm cậu bạn ở Hackey. Đen đủi là chuyến tàu về nhà lại chết dí giữa đường đến gần nửa đêm. Sáng sau dậy muộn, bật tivi lên và hình ảnh đầu tiên là những con tàu, chiếc xe buýt nham nhở với những hành khách đen đúa bụi khói và hoảng hốt tột độ. Bọn khủng bố vừa đánh bom nhiều nơi ở trung tâm. Cả nhà toát mồ hôi. Toàn những chỗ sáng qua mình lang thang. Nếu mà theo đúng kế hoạch cũ thì…

Stockholm 2010. Cuối năm ở Thụy Điển cũng như ở Việt Nam vậy, vợ chồng mình nhận được cả đống giấy mời. Hai giờ chiều thứ bảy 11-12 nhà mình đến ga T-Centralen, lượn qua siêu thị Ahléns, ngắm người dân và du khách tấp nập trên phố Drottninggatan trước khi đến dự một lễ tổng kết. Năm giờ định về, nhưng rồi lại quyết định rẽ qua ngả khác ăn tối. Đêm về nhà mới biết có vụ nổ bom, đúng ngay chỗ mình đi qua chiều nay, sau có ba giờ.

Hôm sau gia đình, bạn bè ở Việt Nam và nước ngoài nhắn tin hỏi han, mình còn chủ quan: “Úi giời, có một gã điên nào đó chứ khủng bố gì. Có ai làm sao đâu, mỗi mình gã chết”. Sau vài hôm mới biết gã này là khủng bố thứ thiệt, hình như còn được “đào tạo khủng bố” tại Anh!... Sau ngày 7-7-2005  đen tối, thậm chí đến tận bây giờ, cả nước Anh chìm trong tình trạng báo động liên miên. Các thùng rác công cộng được thay hết bằng túi ni lông trong suốt. Đi tàu, máy bay đến đâu cũng thấy loa đài nhai nhải: “Hành khách chú ý luôn giữ hành lý bên người. Hành lý không có chủ ngay lập tức sẽ bị tiêu hủy…”. Tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, ngoài đường, chỗ nào cũng lắp camera. Khoảng nửa năm đầu ra đường chỗ nào cũng thấy cảnh sát. Người dân lúc nào cũng cảnh giác. Nhà mình hình thành thói quen tránh xa những nơi đông người, nhất là trong các ngày lễ hội! Nếu nhất định phải đi tàu xe giờ cao điểm là cố gắng đứng xa các vị khách đeo ba lô to, nhưng khổ nỗi ở London ai chẳng đeo ba lô to cơ chứ!

Đã hơn 5 năm kể từ ngày London bị đánh bom lần ấy, ra đường không còn nhiều cảnh sát như trước, người dân cũng bớt lo lắng hơn, mình đã bỏ thói quen xăm xoi ba lô, túi xách người khác. Nhưng một phản xạ vẫn luôn còn đó: cảnh giác với các túi đồ không có chủ. Stockholm nói riêng hay Thụy Điển nói chung thì khác hẳn. Thực ra mấy ngày đầu sau vụ đánh bom, cảnh sát mặc đồng phục cũng đứng đầy trung tâm. Người dân như mình hiểu đấy là hành động tâm lý là chính, chứ có thấy các bạn ấy khám xét chiếc ô tô hay cái ba lô nào đâu. Rồi cảnh sát cũng rút. Người dân vẫn đi chơi, mua sắm bình thường, chẳng ai tỏ vẻ lo lắng hay cảnh giác. Mình hỏi nhiều người đi tàu xe và mấy cô bán hàng tại những nơi cảnh sát bảo tên khủng bố định tấn công là có sợ bị đánh bom không. Họ bảo không! Mình cũng thế, chẳng thấy gì ghê gớm cả. Tại sao vậy nhỉ? Khi mình hỏi một số người địa phương, họ bảo cái chính là Thụy Điển lâu lắm rồi không có chiến tranh hay mâu thuẫn với các nước khác, không phải là “đế quốc”, nên người dân thấy dường như khủng bố không bao giờ nhằm tới họ. “Mình có hại ai đâu mà họ muốn giết mình”! Thật vậy, mình cũng thấy đa số dân nơi đây thật hiền lành và cuộc sống cũng hiền lành.

Câu hỏi tiếp theo là: liệu có phải không còn chỗ nào thật sự an toàn nữa trên thế giới này?

THU HỒNG

Tin cùng chuyên mục