Hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ bị đe dọa

Đòn kinh tế hay tấn công tin học?
Hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ bị đe dọa

Rò rỉ tài liệu tàu ngầm lớp Scorpene

22.400 trang tài liệu mô tả khả năng chiến đấu của tàu ngầm lớp Scorpene do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp DCNS thiết kế cho Hải quân Ấn Độ bị rò rỉ. Những thông tin tuyệt mật như các thiết bị thăm dò, hệ thống thông tin, vận hành của tàu ngầm lớp Scorpene cùng 500 trang dành riêng cho hệ thống phóng ngư lôi đều bị công khai. Vụ việc đã buộc cơ quan an ninh của Pháp và Ấn Độ phải khẩn trương vào cuộc. Nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ.

Hải quân Ấn Độ hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên tại Mumbai

Đòn kinh tế hay tấn công tin học?

Các văn bản mà báo The Australian cho đăng tải trên mạng có tên Restricted Scorpene India (tài liệu hạn chế tiếp cận) liên quan đến giai đoạn 2010-2011. Theo báo này, các dữ liệu có thể đã bị một cựu sĩ quan Hải quân Pháp từng tham gia dịch vụ gia công cho DCNS mang ra ngoài nước vào năm 2011. Tài liệu có thể đã được chuyển qua các công ty ở Đông Nam Á rồi gửi đến một công ty của Australia. DCNS tuyên bố không loại trừ giả thiết vụ rò rỉ này là một phần của cuộc chiến tranh kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh. Báo chí Pháp cho biết vụ việc hết sức bất lợi cho DCNS khi tập đoàn này đang nỗ lực để giành được các hợp đồng đóng tàu ngầm cho Ba Lan và Na Uy.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã ra lệnh điều tra vụ việc và cho rằng đây có thể là hậu quả của tấn công tin học. Tờ Hindustan Times đã cảnh báo những hậu quả về vụ rò rỉ này đối với Ấn Độ.

Thứ nhất, nội dung tài liệu có thể làm suy yếu an ninh hàng hải của Ấn Độ. 6 chiếc tàu ngầm lớp Scorpene (1 chiếc chạy thử vào tháng 5 vừa qua, 5 chiếc vẫn còn đang đóng) được trang bị để thay thế hạm đội tàu ngầm già cỗi của Ấn Độ. Tuy nhiên, những thông tin về hệ thống âm thanh, thiết bị thăm dò bị công khai đã chỉ ra cách thức để phát hiện ra 1 chiếc tàu ngầm của lớp này. Hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ gồm 13 chiếc và chỉ một nửa trong số đó có khả năng hoạt động ở bất cứ thời điểm nào.

Thứ hai, tài liệu đã tạo ra một lỗ hổng trong chiến lược Ấn Độ Dương của quốc gia Nam Á. Tần suất hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương ngày càng gia tăng trong vài năm trở lại đây. Những chiếc tàu ngầm mới là phương tiện để theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc giờ có thể bị dễ dàng phát hiện bởi tài liệu bị rò rỉ. Cuối cùng, sự cố Scorpene là lời nhắc nhở Ấn Độ về năng lực an ninh mạng cũng như việc sản xuất thiết bị quốc phòng của nước này.

Nhiều nước lo

Không chỉ có Ấn Độ, vụ rò rỉ cũng khiến cho Australia lo ngại. Tháng 4 vừa qua, Australia đã ký hợp đồng lên đến 38 tỷ USD với DCNS để thiết kế và chế tạo thế hệ tàu ngầm mới. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhìn nhận vụ việc này là đáng lo. Tuy nhiên, ông Turnbull cũng cho hay loại tàu ngầm hợp tác với Pháp mang tên Barracuda, hoàn toàn khác với loại Scorpene đóng cho Ấn Độ, và Australia có phương cách bảo vệ cao độ các thông tin quốc phòng.

Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Asutralia Christopher Pyne cũng khẳng định vụ tiết lộ thông tin trên không có liên hệ gì với chương trình tàu ngầm sắp tới của Chính phủ Australia. Hợp đồng cung ứng tàu ngầm cho Australia là do DCNS ký, nhưng hệ thống chiến đấu bí mật của 12 chiếc Barracuda được Mỹ cung cấp.

Ngoài Ấn Độ, Malaysia, Chile cũng đã mua nhiều tàu ngầm lớp Scorpene. Brazil cũng sẽ triển khai loại tàu ngầm này từ năm 2018. Đô đốc Hải quân Hoàng gia Malaysia Ahmad Kamarulzaman khẳng định những thông tin rò rỉ không ảnh hưởng đến hoạt động của 2 chiếc tàu ngầm mà Malaysia đang sở hữu. “Mặc dù cùng lớp với tàu ngầm của Hải quan Ấn Độ, nhưng những tàu ngầm của Malaysia có những đặc tính và khả năng khác. Vì vậy, việc rò rỉ không ảnh hưởng đến các tàu ngầm của chúng tôi”, Đô đốc Ahmad Kamarulzaman nói.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục