Hạn chế cho tiền, cho quà người lang thang xin ăn

Trong các số ngày 10 và 11-9, Báo SGGP đã đăng loạt bài phóng sự “Khi lòng tốt bị lợi dụng” phản ánh thực tế người ăn xin tại TPHCM có xu hướng gia tăng trở lại, lên án hành vi trục lợi lòng tốt của người khác. Sau khi báo đăng, nhiều ý kiến bạn đọc đã phản hồi đồng tình và cho rằng, bên cạnh những hoàn cảnh thật sự khó khăn cần giúp đỡ, một lượng người không nhỏ hoàn toàn bình thường hoặc giả dạng tàn tật, hoặc giả người đói rách để ăn xin như một... nghề chuyên nghiệp.

Hãy “lắc đầu” với người ăn xin 

Chị Ngọc Hương (Công ty Bảo Việt TPHCM) nhìn nhận, từ lâu, tình trạng ăn xin làm nhếch nhác vỉa hè, ngã tư, thậm chí người ăn xin xuống tận lòng đường xe cộ đang lưu thông để níu kéo không còn xa lạ, làm mất mỹ quan đô thị. Với bản tính hào phóng, nặng tình nghĩa của người dân thành phố, khi thấy hình ảnh thương tâm, nhiều người đi đường dừng xe máy, bỏ vài ngàn đồng, có khi cả trăm ngàn vào nón người ăn xin.

Còn chị Hồng Hạnh (Công ty Vận tải Hạnh Xuân) bình luận, không biết từ lúc nào, việc cho tiền người ăn xin đã trở thành thói quen của nhiều người, với suy nghĩ chia sẻ khó khăn với người gặp nạn. Nhưng điều không ngờ đến, chính nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng bao dung của người dân thành phố đã vô tình tiếp tay cho nghề ăn xin, nạn “cái bang” đường phố.

Hạn chế cho tiền, cho quà người lang thang xin ăn ảnh 1 Để lòng tốt không bị trục lợi, người dân không nên cho tiền trực tiếp người ăn xin. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chính quyền TPHCM đã có những chính sách đưa những người ăn xin, lang thang không nơi ở vào các trung tâm bảo trợ xã hội, miễn phí ăn ở, bác sĩ khám sức khỏe và được phân loại để học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm theo khả năng…

Thế nhưng, theo ý kiến của anh Hoàng Trung Hoài (quận 1, TPHCM), những ưu đãi, điều kiện tốt dành cho người ăn xin, lang thang không giữ chân họ. Không ít người ăn xin đưa vào trung tâm nhưng lại muốn ra ngoài, nhiều người đã được đưa về quê lại tìm cách quay vào thành phố.

Việc xóa nạn ăn xin, người lang thang như “bắt cóc bỏ dĩa”, đâu lại vào đó. Vậy nên, để thành phố không còn người ăn xin, ngoài việc đưa đối tượng vào các trung tâm bảo trợ xã hội, người dân cần thay đổi thói quen không cho tiền trực tiếp người ăn xin. Dù rằng, thay đổi thói quen này là việc làm không dễ đối với nhiều người dân thành phố vốn rộng lòng và bao dung. Nhưng, khi tình thương, lòng tốt đặt không đúng chỗ sẽ vô tình tiếp tay cho nạn ăn xin.   

Rà soát, phân loại để có biện pháp xử lý

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, TPHCM xác định việc giải quyết tình trạng người xin ăn, sinh sống nơi công cộng là công việc thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý người xin ăn, sinh sống nơi công cộng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Đúng như Báo SGGP phản ánh và sở cũng ghi nhận, vẫn còn tình trạng người lang thang xin ăn nhưng chưa được kịp thời phát hiện và tập trung. Thời gian họ xuất hiện thường ngoài giờ hành chính, địa điểm là các giao lộ đông phương tiện giao thông, khu vực giáp ranh. Các quận, huyện lại thực hiện tập trung chủ yếu trong giờ hành chính, hoặc theo kế hoạch định sẵn nên người ăn xin biết đối phó”, ông Lê Minh Tấn nhìn nhận.

Để hạn chế người ăn xin, ông đề nghị thay vì cho tiền, quà trực tiếp, người dân có tấm lòng muốn chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa… thì có thể đóng góp, ủng hộ thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội thành phố để hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội - đơn vị có trách nhiệm chăm lo đời sống những hoàn cảnh này.

Trước thực trạng không ít trường hợp giả bệnh tật, đói rách thê lương để ăn xin chuyên nghiệp, ông Lê Minh Tấn cho biết, sẽ rà soát, phân loại để có biện pháp xử lý tương ứng. Trường hợp thực sự bị bệnh, người bị bệnh sẽ được hỗ trợ y tế tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM), hoặc đưa tới cơ sở y tế.

Vì thế, nếu phát hiện trường hợp nào bị bệnh ngồi lang thang lề đường xin ăn, thay vì cho tiền thì người dân cứ báo tới chính quyền địa phương, báo Sở LĐTB-XH để xử lý. Trường hợp nào bị bệnh tâm thần, bỏ nhà đi lang thang, sẽ chuyển gửi, chăm sóc họ tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần…

“Từ nay đến cuối năm 2020, sở đề nghị Phòng LĐTB-XH quận, huyện tham mưu UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn. TPHCM đảm bảo giải quyết triệt để tình trạng người xin ăn, chú trọng khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn”, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị các quận, huyện rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, nhất là người cao tuổi, trẻ em không có người thân đi cùng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi.

Rà soát các điểm có đông người xin ăn mà Báo SGGP phản ánh

Ngay sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Khi lòng tốt bị lợi dụng”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn đề nghị các quận, huyện rà soát các điểm có đông người xin ăn mà Báo SGGP đã phản ánh. Đồng thời, đề nghị quận, huyện thông tin, vận động người dân TPHCM không cho tiền, cho quà trực tiếp người lang thang xin ăn trên đường phố. Khi phát hiện người lang thang xin ăn, người dân có thể báo tin tới đường dây nóng: 028.38.292.491 - 028.38.231.757 (giờ hành chính) - Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM; hoặc 028.35.533.258 (hoạt động 24/24) - Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM.

Tin cùng chuyên mục