Một tối mùa hè ở Copenhagen, Đan Mạch một đám đông tụ tập trước cửa nhà hàng có tên Dalle Valle để mua những khẩu phần thức ăn nhà hàng không bán hết. Các thức ăn này được rao bán trước đó trên mạng xã hội với một ứng dụng có tên “Too Good To Go”, cho phép bạn gọi những món ăn không bán hết với giá rất rẻ trước khi chúng bị vứt đi.
Ứng dụng này là một trong các sáng kiến nhằm xử lý vấn đề lãng phí lương thực ở Đan Mạch. Một cuộc khảo sát do chính phủ nước này thực hiện vào năm 2014 chỉ ra rằng, trung bình mỗi hộ gia đình Đan Mạch bỏ phí 105kg lương thực, thực phẩm mỗi năm, với giá trị trung bình 3.000 kroner (khoảng 500USD). Đây là một lượng lương thực khá lớn đối với hầu hết các gia đình. Tính trên diện rộng toàn châu Âu, mỗi năm có tới 100 triệu tấn thực phẩm bị đổ đi, thức ăn sau khi phân hủy tạo ra 227 tấn khí thải tương tự như khí CO2 tạo hiệu ứng nhà kính. Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc ước tính lượng lương thực bị lãng phí ở các nước đang phát triển và các nước công nghiệp hóa lần lượt là 630 và 670 triệu tấn. Nhìn chung, một phần ba lượng lương thực được sản xuất ra mỗi năm bị lãng phí, tương đương với 1.000 tỷ USD và lượng khí thải cũng theo đó tăng chóng mặt.
100 triệu tấn thực phẩm bị đổ trên toàn châu Âu
Những nước khác giờ đây đang theo bước chân của Đan Mạch. Pháp và Italia gần đây thông qua các điều luật cho phép các doanh nghiệp, trong đó có các nông trại, dễ dàng quyên góp thức ăn dư thừa cho các hội từ thiện hơn. Các ứng dụng cho điện thoại thông minh cho phép người ta tìm đến thức ăn thừa dễ dàng hơn ở nhiều nước. “Trung bình một người dùng điện thoại kiểm tra 6 giây một lần, điều này khiến việc tương tác với thị trường định sẵn dễ dàng hơn bao giờ hết”.
Krishnendu Ray thuộc Đại học New York cho rằng, mô hình tại Đan Mạch không phải dễ dàng theo đuổi vì Đan Mạch là một nước nhỏ, theo lối sống khá cổ điển, vốn đã quen với việc đưa ra các quyết định dựa trên lợi ích của số đông và hạn chế sự lựa chọn của cá nhân nên không phù hợp với một số quốc gia khác. Thêm vào đó cần phải nâng cao sự hiểu biết để người ta có thể đưa ra sự lựa chọn riêng cho mình chứ không chỉ lệ thuộc vào ứng dụng công nghệ.
Thậm chí ngay tại Đan Mạch, các nhà hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vì các doanh nghiệp từng đóng góp thức ăn thừa giờ đây không còn thừa nhiều thức ăn nữa. Các ứng dụng như “Too Good To Go” đã trở nên thịnh hành đến nỗi nhiều nhà hàng giờ đây phải từ chối khách hàng. Vì vậy, lần tiếp theo bạn nhìn thấy một đám đông xếp hàng trước một nhà hàng, có lẽ họ không phải đang đợi gọi món ăn chính mà là họ đang đợi những thức ăn sắp bị ném vào thùng rác.
PHƯƠNG AN