Ly hôn hay hàn gắn? Câu hỏi hay được đặt ra khi hôn nhân của mỗi gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ. Nếu như thế hệ trước tại Singapore chọn giải pháp hàn gắn thì nay, thế hệ trẻ lại có xu hướng chọn giải pháp chia tay nhanh chóng.
Theo Bộ phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF), tỷ lệ ly hôn sau 10 năm chung sống tại Singapore (tính từ khi kết hôn vào năm 2003) hiện là 16,1%, tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 1987. Còn tỷ lệ ly hôn sau 15 năm chung sống (tính từ năm 1998) là 20,3%, cũng cao gần gấp đôi với năm 1987. Nhưng những con số này vẫn chưa nói lên tất cả. Điều đáng suy ngẫm là số người trẻ Singapore chọn cách bước khỏi cuộc sống hôn nhân đang chiếm tỷ lệ cao. Họ ly hôn khi còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi từ 20 đến 24.
Nghi thức trao nhẫn cưới trong một đám cưới tại Singapore.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do giới trẻ ở Singapore hiện suy nghĩ tân tiến hơn so với thế hệ trước, nhất là đối với phụ nữ. Phụ nữ trẻ ở Singapore ngày nay có trình độ học vấn cao hơn và kỳ vọng vào cuộc sống cũng như hôn nhân nhiều hơn. Vì thế, họ mong chờ ở người chồng nhiều hơn và cũng không có ý định tự trói mình trong mối quan hệ vợ chồng mà không có tình yêu. Nếu hôn nhân không hạnh phúc, họ nhanh chóng đâm đơn ly dị nhanh hơn thế hệ mẹ của họ.
Nhưng đối với cộng đồng Hồi giáo tại Singapore, tỷ lệ ly hôn lại có xu hướng giảm. Số người ly hôn sau 5 năm chung sống (tính từ năm 2008), giảm còn 11,4% so với tỷ lệ 14% vào năm 2003. MSF cho biết đó là do cộng đồng Hồi giáo đã triển khai chương trình tư vấn hôn nhân từ năm 2004. Cho tới nay đã thu hút được 27.000 người tham gia. Có đến 44% cặp đôi tham gia chương trình quyết định không ly hôn.
Theo MSF, tuy tỷ lệ ly hôn ở Singapore vẫn được cho là ở mức thấp hơn so với các quốc gia phát triển như Mỹ hay Anh nhưng đứng ở góc độ truyền thống, đây là tỷ lệ đang ở mức báo động.
Năm ngoái, tại Singapore đã xảy ra cuộc tranh luận về những biện pháp giảm tỷ lệ ly hôn. Quốc hội Singapore đã đề cập đến sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về luật gia đình và nỗ lực hơn để ngăn chặn sự đổ vỡ của hôn nhân. Các nghị sĩ tại Singapore cho rằng bước đầu tiên để ngăn chặn sự đổ vỡ của gia đình là tại phiên tham vấn trước khi nộp đơn ly hôn. Theo đó, các tư vấn viên có nhiệm vụ giúp đỡ các cặp vợ chồng giải quyết những bất đồng của họ. Nhưng trên thực tế, các tư vấn viên hầu như không thể thuyết phục được các cặp đôi hàn gắn hôn nhân.
Để giảm thiểu tỷ lệ ly hôn ở giới trẻ, MSF quyết định triển khai chương trình mang tên Chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Bước đầu triển khai chương trình diễn ra khá thuận lợi, khi có đến 400 cặp đôi tình nguyện tham gia buổi giới thiệu chương trình trong 2 giờ đồng hồ. Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày, với rất nhiều chủ đề như cách thấu hiểu nhau giữa các cặp vợ chồng trẻ, giải quyết khủng hoảng hôn nhân và những cam kết cần có trong cuộc sống hôn nhân. MSF hy vọng, chương trình này sẽ giúp cải thiện chất lượng hôn nhân và hướng cuộc sống gia đình đến giá trị bền vững hơn.
THANH HẰNG