
Chống tham nhũng luôn là chuyện thời sự tại Hàn Quốc. Vấn đề này lại bùng nổ gần đây khi cảnh sát Hàn Quốc bắt cựu chủ tịch tập đoàn Daewoo, Kim Woo-choong, ngày 16-6-2005, cùng thời điểm Quốc hội Hàn Quốc thông qua một dự luật mới chống tham nhũng.
- “Nhà dột từ nóc...”
Nghị sĩ đảng Đại quốc Lee Hahn-koo cho biết, chắc chắn có khối chuyện kinh động, một khi Kim Woo-choong tiết lộ tất cả bí mật dính dáng chính khách thời còn ngồi ghế chủ tịch Daewoo cũng như chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp Hàn Quốc. Trong khi đó, nghị sĩ đảng Uri Chang Young-dal kêu gọi điều tra toàn diện về cáo buộc liên quan việc Kim hối lộ giới chính trị gia.

Một khi lên tiếng, Kim Woo-choong sẽ lôi ra ánh sáng không ít gương mặt chính khách cỡ bự.
Không chỉ vụ Kim Woo-choong, chiến dịch nóng nhất là cuộc điều tra quanh các đóng góp tài chính trong mùa bầu cử tổng thống cách đây gần ba năm. Vài tháng trước chiến dịch tranh cử thành công của ứng cử viên Roh Moo-hyun vào tháng 12-2002, khoảng 50 triệu USD tiền đóng góp bất hợp pháp đã bí mật trao cho các ứng cử viên từ nhiều tập đoàn khổng lồ.
Tính đến đầu tháng 2-2004, hơn 10 người là các dân biểu, doanh nhân tên tuổi và chuyên gia vận động hành lang chính trị đã bị bắt. LG Corp – một trong những công ty lớn nhất Hàn Quốc – bị cáo buộc tài trợ bất hợp pháp 12 triệu USD cho ứng cử viên đối lập Lee Hoi-chang (chiếc xe tải ních đầy tiền được bỏ tại điểm hẹn ngoài xa lộ và chìa khóa xe được trao cho tùy viên Lee Hoi-chang). Hyundai cũng bị cáo buộc tương tự (chiếc xe được nêm đầy tiền đến mức gần như không thể lái!)...
Tổ chức Transparency International (Trong sạch Quốc tế) hiện đưa Hàn Quốc vào danh sách một trong những quốc gia (trong đó có Nga, Trung Quốc và Ý) mà tham nhũng hầu hết được thực hiện qua các thương vụ làm ăn. Chủ đề tham nhũng và hối lộ liên tục xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc. Tờ Munhwa Ilbo từng thực hiện chuyên đề nhiều kỳ về nạn tham nhũng, trong đó có lời kể dân chúng, thú nhận họ đi đút lót như thế nào.
Trong một bài trên Munhwa Ilbo, một thanh tra xây dựng cho biết, cơ quan mình luôn “ăn” 10% phí xây dựng cho công trình muốn cấp giấy phép hoàn công; một ông bố cho biết mình phải dúi tiền cho gã huấn luyện viên bóng đá ở trường đại học để con trai ông được đưa vào đội hình chính thức; hoặc một hiệu trưởng thú nhận từng “biết điều” ra sao để được thăng chức. Các dịp lễ là cơ hội để đút lót và nhận hối lộ gần như công khai. Dư luận Hàn Quốc đang kêu gọi xóa bỏ ngày Nhà giáo 15-5 cũng như nhiều ngày lễ khác trong năm để hạn chế cơ hội hối lộ.
Nạn tham nhũng hình thành tại Hàn Quốc từ thập niên 1970, khi các chính trị gia nhắm đến các chaebol (tập đoàn) trong chiến dịch vận động tài chính. Theo luật, các công ty không được tài trợ quá 200.000 USD cho đảng phái chính trị nhưng chẳng ai có thể kiểm soát được điều này. Trong cuộc điều tra liên quan chiến dịch tài trợ bầu cử 2002, công tố viên cho rằng, khoảng 40 triệu USD đã chạy vào cửa sau của đảng Đại quốc (GNP, lâu nay vốn được các đại gia kinh tế dựa dẫm). Bản thân Tổng thống Roh Moo-hyun cũng bị kéo vào xìcăngđan tham nhũng.
Tháng 7-2003, một trong những tùy viên của tổng thống đã bị bí mật quay băng hình khi đang chén chú chén anh với một tay kinh doanh quán bar, trong khi tay này lại đang bị điều tra về tội giết chết một đối thủ cạnh tranh. Trong một xìcăngđan khác, Tổng thống Roh Moo-hyun bị qui kết có mặt trong căn phòng đang diễn ra việc giám đốc điều hành một công ty nghỉ mát trao cho một tùy viên tổng thống túi tiền đựng 25.000 USD.
Tháng 12-2003, Quốc hội Hàn Quốc đã phớt lờ tư cách quyền phủ quyết tổng thống khi chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra nạn tham nhũng trong bộ máy hành chính phủ tổng thống. Cần nhắc lại, ngày 12-2-2004, Kim Un-yong (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế) đã chính thức bị kết tội tham nhũng.
Đầu tháng 2-2004, một xìcăngđan liên quan tham nhũng khác khiến báo chí chú ý: Kim Hong-up – con trai cựu Tổng thống Kim Dae-jung – đã bị xử 10 tháng tù về tội nhận 300 triệu won hối lộ vào năm 1998 để giúp một công ty khai thác than giành được hợp đồng nhà nước (cậu con út của Kim Dae-jung cũng bị qui kết tham nhũng). Trước đó vài năm, Kim Hyun-chul, con trai của cựu Tổng thống Kim Young-sam, cũng bị tù ba năm và phạt 2 tỉ won bởi tội tham nhũng…
- Nỗ lực từ một dự luật mới
Hôm 16-6-2005, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc hội Hàn Quốc đã tung ra dự luật mang nội dung: Tiến trình bỏ phiếu bắt một nghị sĩ được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi đơn kiến nghị bắt giam được đệ trình Quốc hội. Theo luật này, nếu có đủ chứng cứ phạm pháp của một nghị sĩ, (một tỉ lệ thấp nhất là) 20 dân biểu có thể đệ trình kiến nghị bắt giam đương sự.
Trước kia, các đảng chính trị thường tổ chức họp “ngoài giờ” (kéo dài liên tục nhiều ngày) nhằm tránh bị bắt khi đang họp. Luật này nhằm giới hạn một số đặc quyền của nghị sĩ và mục đích thật ra là cho công chúng thấy chính phủ quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng như thế nào.
Luật cũng cấm nghị sĩ tiếp tục hành nghề chuyên môn của mình (trước khi trở thành dân biểu), nếu đương sự có mặt trong một ủy ban chuyên trách Quốc hội liên quan nghề nghiệp đương sự. Cụ thể, một dân biểu từng làm luật sư được sắp xếp vào Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì không còn được hành nghề luật sư nữa.
Theo cùng cách, một thành viên thuộc Ủy ban Kinh tế-tài chính Quốc hội sẽ không được phép nắm vị trí giám đốc điều hành một công ty (luật này thật ra bắt chước hệ thống chính trị Mỹ).
LÊ THẢO CHI