Hàng bình ổn chiếm 30% - 55% thị phần

Hàng bình ổn chiếm 30% - 55% thị phần

Mùa khai giảng năm học 2015 - 2016

Năm 2015 là năm thứ 3, TPHCM triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường quanh năm. Thời gian qua, chương trình này đã khẳng định sức lan tỏa, góp phần ổn định thị trường trong thời điểm chuẩn bị nhập học, với mức giá thấp hơn ít nhất từ 10% - 15% so với các sản phẩm có cùng chất lượng, quy cách trên thị trường.

Doanh thu đạt gần 512 tỷ đồng

Trong năm học 2014 - 2015, TPHCM thực hiện bình ổn đối với 4 nhóm mặt hàng thiết yếu: cặp - ba lô - túi xách, tập học sinh, đồng phục học sinh và giày, trong đó giày là nhóm hàng mới được đưa vào danh sách, với 15 doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng các mặt hàng cho mùa khai trường. Lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường rất dồi dào, đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng với 437 mẫu sản phẩm, tăng 98 mẫu sản phẩm so với năm 2013, gồm 40 mẫu tập học sinh, 186 mẫu cặp - ba lô - túi xách, 207 mẫu đồng phục học sinh, 4 mẫu giày.

Doanh thu các nhóm hàng bình ổn đạt 511,9 tỷ đồng, tăng 24,59% so với năm 2013 (410,83 tỷ đồng). Trong đó, có 3 nhóm hàng đạt xấp xỉ kế hoạch là đồng phục học sinh (668.289 bộ, tỷ lệ 92,8%), tập học sinh (24.706.427 cuốn, 98,9%), cặp - ba lô - túi xách (1.065.979 cái, 84,9%); 1 nhóm hàng đạt thấp là giày học sinh (18.622 đôi, 9,31%) do năm đầu tiên tham gia, chưa đa dạng chủng loại sản phẩm. Với những con số này, Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng mùa khai trường trở thành chương trình đạt tăng trưởng doanh thu cao nhất so với 3 chương trình còn lại (gồm CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm; CTBOTT các mặt hàng dược phẩm và CTBOTT các mặt hàng sữa).

Mua cặp học sinh bình ổn thị trường tại cửa hàng Hami ở TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Lý giải về kết quả đạt được, các DN cho biết, năm 2014 nhờ nguồn vốn vay dồi dào với lãi suất ưu đãi nên họ đã mạnh dạn vay để mua dự trữ nguồn nguyên liệu, đồng thời thực hiện đầu tư, đổi mới trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cung ứng hàng hóa tốt hơn.

Điểm nhấn của CTBOTT năm 2014 là các DN đã phối hợp với nhiều quận, huyện tổ chức những ngày hội mùa khai trường tại các quận như Tân Bình, quận 5, Gò Vấp… Đây là dịp để DN đưa hàng hóa tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Qua đó, Sở Công thương đã thực hiện kết nối giữa DN bình ổn lương thực, thực phẩm; DN sữa với nhà trường để đưa sản phẩm vào các bếp ăn. Mặt khác, nhờ sự giới thiệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các DN đã tăng cường tiếp cận và đưa hàng bình ổn cung ứng cho hàng trăm trường học; phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Saigon Co.op thực hiện hơn 100 chuyến bán hàng lưu động đến các quận ven và các huyện ngoại thành. Một số DN còn thực hiện phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng đến các tỉnh nhằm mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục bình ổn 4 nhóm mặt hàng

 

Lượng hàng tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng mùa khai giảng năm học 2015 - 2016 như sau: Tập học sinh là 28,4 triệu quyển; đồng phục (730.000 bộ); cặp - ba lô - túi xách (1.263.000 cái); giày học sinh (700.000 đôi).

 

Nhằm cung ứng các dụng cụ học tập thiết yếu cho trên 2 triệu học sinh đến trường trong mùa khai giảng năm học mới, đặc biệt quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh các quận ven và huyện ngoại thành, TPHCM tiếp tục triển khai CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2015 - 2016 đối với 4 nhóm hàng chính yếu, gồm: tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh và giày.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng cung ứng của các DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng tham gia bình ổn phục vụ mùa khai giảng năm học 2015 - 2016 chiếm từ 35% - 55% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên. Chương trình tiếp tục thực hiện cơ chế giá điều chỉnh linh hoạt, DN tham gia chương trình tự xây dựng và kê khai giá bán sản phẩm tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo giá bán hàng trong CTBOTT phải thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% - 15%. CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm nay tiếp tục được triển khai thực hiện xuyên suốt 12 tháng, từ ngày 1-4-2015 đến 31-3-2016. Đây là năm thứ 3 TPHCM thực hiện triển khai bình ổn cả năm, thay vì chỉ thực hiện vào mùa cao điểm từ tháng 5 đến tháng 10 như nhiều năm trước.

Năm nay, số DN sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình là 16 DN (gồm 15 DN cũ và 1 DN mới), trong đó có nhiều DN hiện đang dẫn đầu thị trường ở nhiều ngành hàng như: Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa); Công ty cổ phần Tập Việt; Công ty TNHH MTV TM thời Trang Dệt may VN (Vinatexmart); Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến; Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op); Công ty cổ phần Văn hóa Nhân Văn; Công ty TNHH May túi xách Hương Mi (Hami); Công ty TNHH Minh Tiến (Miti); Công ty Trương Vui (Mr Vui)…

Để thực hiện chương trình hiệu quả, tại kế hoạch thực hiện CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2015 - 2016, ban hành kèm theo Quyết định 1349 của UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành trong việc theo dõi và hỗ trợ các DN trong quá trình thực hiện. Trong đó, Sở Công thương là đơn vị thường trực thực hiện nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các CTBOTT mà TP đang thực hiện đến các Phòng Giáo dục đào tạo quận, huyện, các trường học trên địa bàn TP để phụ huynh và học sinh, sinh viên biết, tham gia mua sắm. Theo đó, sở này cần tổ chức kết nối, tạo điều kiện cho các DN tham gia những CTBOTT thực hiện giới thiệu hàng hóa bình ổn thị trường đến các đối tượng trong trường học trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục đào tạo các quận, huyện và các DN xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch bán hàng lưu động nhằm phân phối hàng hóa đến các trường học trên địa bàn TP phục vụ học sinh, sinh viên, đặc biệt ưu tiên phân phối lưu động phục vụ tại các quận ven, huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.

Đối với các sở, ngành khác của TP sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng của DN, đảm bảo cân đối cung cầu, không để thiếu hụt cục bộ dẫn đến giá cả tăng đột biến. Chủ động và nhanh chóng huy động lực lượng bán hàng lưu động, điều phối hàng hóa đến những khu vực có dấu hiệu thiếu hàng, biến động giá để kịp thời can thiệp, phát huy vai trò dẫn dắt giá cả thị trường của chương trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm.

THÁI NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục