Hàng Cháo mà không cháo

Hàng Cháo mà không cháo
Hàng Cháo mà không cháo ảnh 1
Phố Hàng Cháo hôm nay. Ảnh: LÊ DŨNG

Ngày xưa, nhắc tới cháo là nghĩ ngay tới người nghèo khổ, phải “ăn rau ăn cháo”, không thế thì là người đang ở tình trạng ốm đau nuốt cháo “cầm hơi”. Đại khái cứ dính đến cháo thì chả hay ho gì.

Giờ thì cháo là thứ cảnh vẻ, nhẹ nhàng và chả cần phải đặc biệt nghiêm trọng về sức khỏe mới xài đến, hơn thế “vì bảo vệ sự thon thả của cơ thể” mà nhiều bà nhiều cô lại xung phong chọn cháo làm bữa chính của mình.

Dông dài về cháo như vậy để có cớ xưng ra một cái tên: phố Hàng Cháo. Thoạt kỳ thủy, phố ấy là nơi người Hưng Yên kéo đến tụ tập kiếm sống, chủ yếu bằng nghề sản xuất và bán các loại hương, vì thế mà gọi là Hàng Hương. Những tưởng cái tên đã đặt thì yên vị, ai dè nạn đói năm 1945 đã làm thay đổi hẳn tên của nó. Người ta không làm hương và bán hương nữa mà nhiều người từ các nơi kéo đến nấu cháo bán, bởi vì thuở ấy chỉ có cháo là “đắc sách” chứ lấy đâu ra cơm.

Thế là Hàng Hương một phen đổi thành Hàng Cháo, đâu như vào năm 1947 thì phải. Hà thành hiển nhiên có thêm một thế giới cháo mà chúng còn lưu dấu đến nay: cháo trắng, cháo hành hoa, cháo đậu phụ, cháo đậu đen, cháo trai, cháo hến... Cái tên Hàng Hương hình như lại đầu thai vào cái ngách nối ngang Phan Đình Phùng và Lý Nam Đế, ngách Hàng Hương bây giờ.

Hàng Cháo thời này “không cháo cơm gì ráo”, nếu bạn cứ khăng khăng theo tên gọi mà tìm hàng thì dù đi đến vài mươi năm, đi đến “chồn chân mỏi gối” chắc chắn cũng chả tìm đâu được một quán cháo, một gánh cháo hay một cái muôi cháo. Phố Hàng Cháo chỉ bán có đủ loại đồ điện sinh hoạt, dây điện, dụng cụ điện, đèn điện, tóm lại là tất tật những gì liên quan tới điện. Đứng giữa phố Hàng Cháo, ngẫm nghĩ mới thấm thía cái sức mạnh thay đổi của thời gian. Nhưng cũng thấy đằng sau mỗi cái tên dù đơn giản còn chứa cả một bề dày lịch sử của Hà thành. 

PHƯƠNG TÂN

Tin cùng chuyên mục