Hẹn tới hẹn lui, đến hôm nay mới sang được Rome thăm anh bạn Francesco sau khi giải quyết hết đống việc ở London. Ngoài việc đi thăm Francesco như đã hứa, tôi còn phải thực hiện một “trọng trách” được vợ giao phó: mua ít đồ gia dụng của Indesit, một thương hiệu nổi tiếng của Italia.
Đưa danh sách những thứ cần mua nhờ Francesco, anh chàng người Italia nở nụ cười như “mùa thu tỏa nắng” nói: “Indesit giờ là của người Mỹ rồi, bạn tôi ơi”. Tưởng Francesco đùa, ai dè là thật. Anh bạn tôi cho biết ngay cuối tuần rồi, tập đoàn Whirlpool của Mỹ đã chính thức mua lại hơn 60% cổ phần của Indesit. Giờ đây, công ty ở miền Trung đất nước hình chiếc ủng đã thuộc quyền sở hữu của ông lớn đến từ xứ cờ hoa.
Theo Francesco, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài là nguyên nhân khiến không chỉ có Indesit mà rất nhiều các thương hiệu lớn của Italia lọt vào tay của các tập đoàn nước ngoài. Tháng 2 vừa qua, tập đoàn thực phẩm của Tây Ban Nha Ebro Foods đã mua lại 52% cổ phần của công ty chuyên về mì ống Pastificio Lucio Garofalo.
Cùng thời gian này, Versace, thương hiệu thời trang cả thế giới biết đến, cũng phải bán 20% cổ phần cho đối tác đến từ Mỹ Blackstone. Tiếp đến, tập đoàn thời trang được xem là huyền thoại ở Italia Krizia cũng lọt vào tay Shenzhen Marisfrolg Fashion, một cái tên đến từ Trung Quốc...
Anh bạn tôi cho hay xu thế này bắt đầu từ năm 2013, sau khi tập đoàn của Pháp Louis Vuitton Mot Hennessy mua 80% cổ phần của Loro Piana. Dư luận Italia đã phản ứng về tình trạng “chảy máu thương hiệu cao cấp” đầy đau xót này. Rất nhiều người thất vọng khi thấy những thương hiệu nổi tiếng của Italia rơi vào tay những ông chủ nước ngoài. Nhưng không còn lựa chọn nào khác khi Italia đang phải vật lộn với một nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ người thất nghiệp cao.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm ngoái của trung tâm nghiên cứu Eurispes, 437 công ty của Italia đã được bán cho các chủ sở hữu nước ngoài trong giai đoạn 2008 - 2012. Rất nhiều chuyên gia cho rằng rất khó, thậm chí là không thể, để mua lại các thương hiệu đã mất. Đây thật sự là một sự tổn hại cho Italia. Không phải chỉ vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp đến 97% vào hệ thống công nghiệp nước này mà Italia đã đánh mất đi sự định vị quốc gia, mất đi giá trị tinh thần to lớn dành cho sản phẩm “Made in Italia”.
Tuy nhiên, cũng có không ít người lạc quan cho rằng việc các công ty nước ngoài đổ tiền mua các thương hiệu của Italia cho thấy sự tôn trọng, đánh giá cao đối với giá trị truyền thống của Italia. Francesco lấy một tờ báo số ra gần nhất dẫn lời ông Lorenzo Bazzana, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu kinh tế Coldiretti, cho tôi xem. Chuyên gia này lấy ví dụ một số công ty sản xuất rượu vang của Italia yêu cầu các chủ đầu tư nước ngoài phải giữ lại các yếu tố đặc trưng của sản phẩm, văn hóa vùng miền, để từ đó tăng cường phát triển thương hiệu.
“Với cách làm này thì đâu phải là dấu hiệu tiêu cực. Nó khác hẳn với việc gia công cho nước ngoài và để thương hiệu lụi tàn”, ông Bazzana nói.
Chủ đề thương hiệu Italia cũng trở lại trong bữa tối giữa tôi và Francesco. Trên tay chai vang, Francesco giới thiệu đây là rượu do người bà con của anh ở vùng Toscana của Italia tự tay làm. Vị chua đặc trưng không lẫn đi đâu được của rượu vang Italia khiến tôi phải xuýt xoa. Đúng là “hàng made in Italia” có khác!
HUY CƯỜNG