
Năm 2014 là năm thứ 13 TPHCM thực hiện chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đối với các mặt hàng thiết yếu. Đây là năm thứ 2 TPHCM thực hiện thành công mô hình xã hội hóa và là năm thứ 4 TP triển khai đồng loạt 4 CTBOTT gồm: lương thực - thực phẩm; bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu và bình ổn các mặt hàng sữa. TPHCM hiện là địa phương đầu tiên của cả nước đã và đang triển khai 4 chương trình này. Với một lực lượng doanh nghiệp (DN) tham gia hùng hậu, cung ứng hàng ngàn mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn tại TPHCM đã đủ chi phối thị trường, ổn định giá cả.
Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp
Vào thời điểm này của 2 năm về trước, tại cuộc họp triển khai CTBOTT năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã công bố một quyết định quan trọng, đó là TPHCM sẽ ngưng ứng vốn từ ngân sách để thực hiện các CTBOTT, thay vào đó TP sẽ vận động các ngân hàng thương mại dành gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các DN thực hiện. Cách làm này gây lo ngại không chỉ cho các sở, ngành chức năng mà ngay cả các DN cũng cho rằng sẽ khó thực hiện bình ổn giá cả bằng nguồn vốn vay!
Hai năm qua, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TP, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN, giờ đây cả nước đã biết đến mô hình xã hội hóa công tác bình ổn thị trường của TPHCM. Một lần nữa TPHCM lại dẫn đầu cả nước về đổi mới cách làm, tạo sự đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ và làm bình ổn trong giai đoạn mới. CTBOTT tại TPHCM đã trở thành bài học điển hình trong việc kết hợp vai trò quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh của cộng đồng DN, tạo hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội.
Có thể chứng minh, năm 2013, năm đầu tiên TPHCM dứt vốn ngân sách, mời gọi các tổ chức tín dụng cùng tham gia và nhận được sự hỗ trợ của 5 ngân hàng thương mại (gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank; Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam Eximbank; Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam Chi nhánh Lý Thường Kiệt; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bến Thành và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh 7), với tổng hạn mức tín dụng đăng ký dành cho các DN tham gia CTBOTT năm 2013 là 1.960 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngắn hạn là 860 tỷ đồng, lãi suất từ 6%/năm và vốn vay trung, dài hạn là 1.100 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Bước sang năm 2014, đã có 8 tổ chức tín dụng tham gia, dành gói tín dụng lên tới 8.300 tỷ đồng, tăng tới 6.340 tỷ đồng, trong đó lãi suất cho vay tiếp tục được hạ xuống mức 5,5% - 6%/năm; trung và dài hạn chỉ từ 7% - 8%/năm, thấp hơn bình quân từ 1% - 2% so với lãi suất thông thường đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho các DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho chương trình. Tính đến nay, tổng vốn các DN sử dụng từ gói hỗ trợ đã hơn 7.500 tỷ đồng, trong tổng số 8.300 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng cam kết.

Mua hàng bình ổn thị trường tại Cửa hàng Satra Food. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Bên cạnh nguồn vốn, số lượng các DN tham gia cũng ngày càng hùng hậu. Nhiều đơn vị đã trở thành DN chủ lực trong việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của người dân như thịt heo, bò tươi sống và thực phẩm chế biến các loại của Vissan; trứng gia cầm của Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Thanh niên xung phong; thịt gia cầm của Phạm Tôn, San Hà; rau củ quả của Thảo Nguyên, Anh Đào… Đặc biệt, Saigon Co.op không chỉ là đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn tích cực tham gia chương trình đối với cả 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồng thời hỗ trợ đưa hàng hóa vào siêu thị cho nhiều DN khác. Trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cho mùa khai trường thì Miti, Hami, Mr.Vui, Vĩnh Tiến, Sanding, Việt Tiến… đã trở thành những thương hiệu hàng đầu của TP và cả nước trong việc cung ứng ba lô, cặp xách, quần áo, tập vở cho học sinh. Đối với mặt hàng sữa, các thương hiệu như Vinamilk, Nutifood… đang dẫn đầu thị phần, chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng và giá cả.
“Giải phóng” áp lực về giá hàng bình ổn
Theo Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười, việc ngưng hỗ trợ vốn từ ngân sách cho CTBOTT đã thực sự giải phóng được nhiều áp lực cho cả lãnh đạo TP và các DN tham gia thực hiện. Trên thực tế, những năm trước, các DN bình ổn chỉ được vay vốn lãi suất 0%, tương ứng từ 10% - 15% tổng vốn lưu chuyển, nhưng với cách làm mới DN được vay với hạn mức cao hơn nhiều nhưng mức lãi vay cũng chỉ bằng với lãi suất ưu đãi không quá 6%. Ngoài ra, hạn mức vượt mức cho vay ưu đãi còn lại có sự tham gia cạnh tranh chia sẻ của một số ngân hàng khác cũng với lãi suất ưu đãi. Như vậy, tính ra tổng mức chi phí trả cho tiền vay trong tổng mức kinh doanh, bình quân vẫn tốt hơn so với nguồn vốn vay từ ngân sách với lãi suất 0%. Nói cách khác, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trong những năm trước chỉ là “vốn mồi”, để thực hiện tốt chương trình, đáp ứng được sản lượng hàng hóa bình ổn thì tự thân các DN phải có sự đầu tư rất lớn. Thử làm một phép tính, vốn ngân sách với lãi suất 0% dành cho 4 CTBOTT năm 2012 chỉ dừng ở mức 270 tỷ đồng, nhưng sang năm 2013, vốn đăng ký từ 5 ngân hàng lên tới 1.960 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với các nguồn vốn khác nhau với lãi suất hợp lý. Đến năm 2014, nguồn vốn cho bình ổn ngày càng dồi dào, các DN không còn lo thiếu vốn nên chuyên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình giải ngân, nhiều ngân hàng đã chấp thuận cho một số DN được vay vốn tín chấp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tài chính DN. Ngoài nguồn vốn dành cho chương trình bình ổn, TP còn tạo điều kiện cho các DN được vay vốn theo Quyết định 33 và 38 về chương trình kích cầu đầu tư mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ… Các DN tham gia CTBOTT sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được hỗ trợ kết nối, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối.
Cùng với việc dứt vốn ngân sách, TPHCM cũng đã linh động hơn trong việc điều hành giá bán, thông qua việc DN tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất từ 5% - 10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, DN sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi trước đây, DN sử dụng vốn ngân sách phải giữ nguyên giá bán trong năm.
Điều quan trọng hơn, năm 2014, TPHCM đã phát động thành công và đưa vào sử dụng logo của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.
|
THÚY HẢI