Sau 8 tháng triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2013
Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu năm 2013 - Tết Giáp Ngọ 2014, TPHCM tiếp tục thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường: Chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình mùa khai giảng; chương trình sữa và chương trình dược phẩm được triển khai đồng loạt từ ngày 1-4-2013 đến ngày 31-3-2014. Sau 8 tháng thực hiện, các DN đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, tăng khả năng cung ứng hàng hóa so với kế hoạch TP giao.
Góp phần ổn định giá cả
Tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay có 64 DN, tăng 16 DN so năm 2012, gồm 59 DN sản xuất kinh doanh (31 DN chương trình lương thực - thực phẩm, 13 DN chương trình mùa khai giảng, 2 DN chương trình sữa và 13 DN chương trình dược phẩm) và 5 tổ chức tín dụng (Agribank - Chi nhánh Lý Thường Kiệt, Eximbank, Sacombank, BIDV chi nhánh Bến Thành, Vietinbank chi nhánh 7).
Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 không sử dụng nguồn vốn của ngân sách để tạm ứng cho DN vay với lãi suất 0% như các năm trước. Để đảm bảo nguồn vốn cho các DN sản xuất, tạo nguồn hàng cung ứng thị trường, 5 tổ chức tín dụng nêu trên đã cam kết cho DN vay ưu đãi với tổng hạn mức tín dụng là 1.960 tỷ đồng, gồm 860 tỷ đồng cho vay ngắn hạn (lãi suất 6%) và 1.100 tỷ đồng cho vay trung, dài hạn (lãi suất 10%). Hiện đã có 21 DN được cấp hạn mức tín dụng 468,86 tỷ đồng.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau 8 tháng thực hiện chương trình, các DN đều có kế hoạch, dự trữ nguồn nguyên liệu, dự báo cung - cầu thị trường để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, thể hiện tính chuyên nghiệp cao kịp thời điều phối hàng hóa đến các hệ thống phân phối, điểm bán, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng trường hợp có biến động thị trường. Bên cạnh đó, các DN còn tích cực đưa hàng hóa vào các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, học sinh, sinh viên.
Trong chương trình lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhiều đơn vị đã chủ động tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường, vượt kế hoạch TP giao, góp phần dẫn dắt, ổn định giá cả thị trường như Saigon Co.op, Công ty Vissan, Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, HTX Phước An… Tính theo sản lượng, chỉ riêng tháng 11-2013 vừa qua, có 3 nhóm hàng vượt kế hoạch là rau củ quả (139,4%), thực phẩm chế biến (130,2%) và thịt gia cầm (102,2%); 2 nhóm hàng đạt thấp so kế hoạch do sức mua chậm là lương thực và thủy hải sản; các mặt hàng còn lại đạt xấp xỉ so với chỉ tiêu kế hoạch. Doanh thu lũy kế từ 1-4-2013 đến 30-11-2013 đạt 6.602,9 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ.
Sản lượng và doanh thu của các chương trình khác như cung ứng hàng hóa mùa khai trường, chương trình sữa, chương trình các mặt hàng dược phẩm thiết yếu cũng đều đạt và vượt kế hoạch TP giao.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các sở, ngành chức năng trong việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường, đó là thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát công tác sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng, phân phối hàng hóa các chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP nhằm đảm bảo đúng các tiêu chí của chương trình đưa ra. Định kỳ hàng tháng DN báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công thương để tổng hợp, rà soát, kiểm tra tính chính xác, theo dõi tiến độ tạo nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, phát triển điểm bán của DN.
Tính đến nay, Tổ công tác chương trình bình ổn thị trường đã tiến hành kiểm tra thực tế, hoạt động sản xuất chuyên sâu 21 DN, gồm 12 DN chương trình lương thực, thực phẩm, 7 DN chương trình mùa khai giảng và 2 DN chương trình sữa. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, phối hợp Thanh tra Sở Tài chính, các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tổ chức kiểm tra thường xuyên mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, điểm bán… Ngoài ra, các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng tết tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các DN tham gia chương trình mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực đông dân cư, KCX-KCN, các quận ven huyện ngoại thành nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, thấp.
Theo nhận định của Tổ công tác chương trình bình ổn thị trường, lượng hàng hóa bình ổn thị trường hiện rất dồi dào, phong phú, đủ sức chi phối thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chất lượng hàng hóa đảm bảo, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ nay đến tết, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra chuyên sâu hoạt động sản xuất, chăn nuôi, liên doanh liên kết, tạo nguồn hàng phục vụ tết tại nhiều DN đang thực hiện liên kết đầu tư, phát triển nguồn hàng tại các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ. Tiếp tục tập trung bám sát, theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn TPHCM. Kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến DN, chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.
7.665 điểm bán hàng bình ổn giá Tính đến đầu tháng 12-2013, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP là 7.665 điểm bán, tăng 7.417 điểm bán so với năm 2008. Cụ thể, chương trình lương thực - thực phẩm hiện có 3.367 điểm bán; chương trình mùa khai trường có 769 điểm bán; chương trình sữa có 1.193 điểm bán và chương trình dược có 2.336 điểm bán. |
MINH HÙNG - UYỂN CHI