Cho đến nay, TPHCM vẫn là địa phương duy nhất của cả nước đã và triển khai thành công 4 chương trình này. Với lực lượng doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn tại TPHCM đủ sức chi phối thị trường, ổn định giá cả.
Ảnh: CAO THĂNG
Như thông lệ, 4 CTBOTT năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 được triển khai từ ngày 1-4-2018 đến ngày 31-3-2019 theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số DN tham gia chương trình là 90 DN, tăng 2 DN so năm 2017; gồm 44 DN tham gia Chương trình lương thực, thực phẩm, 13 DN mùa khai giảng, 6 DN sữa, 15 DN dược, 12 tổ chức tín dụng. Trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Tổng nguồn vốn các ngân hàng đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện BOTT là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9% - 10%/năm).
Lượng hàng phân bổ cho DN thực hiện BOTT dựa trên kết quả thực hiện năm trước, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân thành phố và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng, lượng hàng đăng ký của DN. Cụ thể, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường, 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng tết; các mặt hàng phục vụ mùa khai trường chiếm từ 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng; các mặt hàng sữa chiếm từ 30% - 35% nhu cầu thị trường; các mặt hàng dược phẩm chiếm 50% thị phần các nhóm thuốc thiết yếu.
Riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công thương phối hợp các đơn vị liên quan nắm chắc diễn biến thị trường, có phương án đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; phối hợp Sở Giao thông Vận tải giải quyết cấp giấy phép lưu thông giờ cao điểm cho xe vận tải hàng bình ổn thị trường.
Để đảm bảo cân đối cung cầu, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung như thực hiện tốt kế hoạch tạo nguồn, dự trữ, cung ứng hàng hóa tết theo số lượng được giao; bên cạnh số lượng hàng hóa chuẩn bị theo kế hoạch được giao từ chương trình, các DN chủ động thực hiện đầy đủ kế hoạch kinh doanh nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường tết được dồi dào, phong phú và ổn định; chủ động nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; đảm bảo lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Trường hợp xảy ra biến động thị trường, DN đảm bảo cung ứng hàng hóa theo chỉ đạo của Sở Công thương; thông báo về các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa trong và ngoài chương trình trước và sau tết, trong đó ưu tiên các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả.
CTBOTT năm 2018 - Tết 2019, TPHCM tiếp tục triển khai các nội dung liên tịch được ký kết giữa Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với một số hệ thống phân phối như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối, đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng. Các bên đã tích cực phối hợp, tham gia các đợt bán hàng lưu động tập trung, hội chợ tết, phiên chợ công nhân... phục vụ người dân địa phương, công nhân lao động do UBND quận - huyện, Ban Quản lý các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao tổ chức. Tăng cường tự kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của chương trình về công tác trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, các DN tham gia trong CTBOTT đã tích cực, chủ động và rất chuyên nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành các quy định chương trình, điều phối, đảm bảo cung cầu thị trường.
Tiên phong trong sản xuất thực phẩm sạch
Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ trước, CTBOTT các mặt hàng thiết yếu năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 đã tiếp tục khẳng định là công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả của TP. Cùng với sự phát triển, mở rộng và nâng chất của hệ thống phân phối, hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, được cung ứng đầy đủ, ngày càng nhiều và phong phú, đa dạng hơn, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, thực hiện an sinh xã hội và tạo được uy tín, niềm tin rất lớn trong người dân TP.
Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, chương trình được triển khai hiệu quả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện. Năm 2018, hầu hết các nhóm hàng cung ứng cho chương trình bình ổn đều được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, thậm chí có những DN đã và đang đầu tư để sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ như Saigon Co.op, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Các DN như Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Phước An, Phú Lộc... cũng đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nhóm các mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả. Các hệ thống phân phối trên địa bàn TP cũng dành sự ưu tiên cho các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn theo đúng chủ trương của TP, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Qua thực hiện CTBOTT và triển khai các chương trình như hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu, kết nối ngân hàng - DN. Các DN có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn lớn, lãi suất phù hợp phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất; có thêm nhiều cơ hội để liên doanh liên kết, hợp tác, khai thác vùng nguyên liệu, giảm chi phí, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện công tác bình ổn thị trường ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn; không những đủ năng lực thực hiện trên địa bàn TP mà còn tham gia hỗ trợ các địa phương, tỉnh, thành bạn trong việc thực hiện nhiệm vụ BOTT của cả nước do Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, UBND các quận, huyện TPHCM đã hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng bình ổn giờ đây đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Lotte Mart, Giant, Big C… hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy. Với người tiêu dùng họ đến với siêu thị không chỉ vì đã quen với cách mua sắm văn minh, lịch sự mà ở đó còn có thể mua được đầy đủ các nhóm hàng bình ổn giá.
Hiệu quả từ CTBOTT cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp TPHCM thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 tiếp tục có mức tăng thấp hơn so với mức tăng bình quân cả nước. Với việc tham gia CTBOTT, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu để phát triển, sản xuất kinh doanh. Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng từ chính đồng vốn hỗ trợ của TP. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường. Chương trình đã góp phần cùng TP thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, vì 100% hàng hóa trong chương trình được chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất ở trong nước và mang thương hiệu Việt.