Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013: Không thiếu hàng, chỉ lo sức mua yếu

Ngày 2-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và lãnh đạo 24 quận, huyện về nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2012 và công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013.
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013: Không thiếu hàng, chỉ lo sức mua yếu

Ngày 2-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và lãnh đạo 24 quận, huyện về nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2012 và công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013.

Hàng bình ổn chi phối hơn 50% nhu cầu

Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, để đảm bảo kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, các doanh nghiệp (DN) đã có kế hoạch sản xuất dự trữ hàng hóa, vượt chỉ tiêu kế hoạch TP giao và tăng trên 60% so với lượng hàng hóa bán ra so với Tết Nhâm Thìn 2012. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối hơn 50% nhu cầu thị trường như: dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến… Tổng nguồn vốn các DN chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng tết đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 1.288,9 tỷ đồng so với tết năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 3.436,4 tỷ đồng, tăng 605,7 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 21,4%. Riêng tháng cao điểm tết, nguồn vốn chuẩn bị là 2.698,7 tỷ đồng, trong đó phục vụ hàng bình ổn thị trường là 1.511,1 tỷ đồng.

Trang trại cây giống thuộc HTX Phong Thúy (Lâm Đồng) - một trong những đối tác của chương trình bình ổn giá tại TPHCM.

Trang trại cây giống thuộc HTX Phong Thúy (Lâm Đồng) - một trong những đối tác của chương trình bình ổn giá tại TPHCM.

Qua báo cáo và kết hợp công tác kiểm tra các DN, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đối với 9 nhóm hàng lương thực - thực phẩm bình ổn thị trường 3 tháng trước, trong và sau tết cụ thể như sau: gạo - nếp, TP giao thực hiện cung ứng ra thị trường 3 tháng tết là 16.100 tấn, khả năng cung ứng của DN là 30.027 tấn, chiếm 20% nhu cầu tiêu dùng. Lượng dự trữ hiện có tại các kho hàng đảm bảo cung ứng khi có biến động thị trường là 22.320 tấn. Đường RE, giao 7.070 tấn, khả năng cung ứng 13.709 tấn, chiếm 78% nhu cầu, dự trữ 12.800 tấn. Dầu ăn, kế hoạch là 3.065 tấn, khả năng cung ứng 6.897 tấn, chiếm 68% nhu cầu, dự trữ 6.760 tấn. Thịt gia súc, kế hoạch là 12.050 tấn, khả năng cung ứng 14.327 tấn, chiếm 29% nhu cầu, dự trữ 5.329 tấn. Thịt gia cầm, kế hoạch là 5.750 tấn, khả năng cung ứng 14.500 tấn, vượt 152% kế hoạch, chiếm 89% nhu cầu, dự trữ 6.570 tấn. Trứng gia cầm: kế hoạch 82 triệu quả, khả năng cung ứng 140,3 triệu quả, chiếm 83% nhu cầu; dự trữ 49,8 triệu quả. Thực phẩm chế biến, giao 4.535 tấn, khả năng cung ứng 7.018 tấn, chiếm 62% nhu cầu, dự trữ 2.570 tấn. Rau củ quả, kế hoạch 6.080 tấn, khả năng cung ứng 14.140 tấn, chiếm 11% nhu cầu; dự trữ 2.570 tấn. Thủy hải sản, giao 1.379 tấn, khả năng cung ứng 2.908 tấn, chiếm 6% nhu cầu, dự trữ 2.064 tấn.

Tại các DN phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn cũng đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Cụ thể, siêu thị Maximark, Citimart, BigC... đều có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2 - 3 lần tháng thường.

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường chậm, các DN tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Nắm chắc diễn biến thị trường

Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, các DN trong chương trình bình ổn đã tập trung phát triển nhanh và mạnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi bán đủ các mặt hàng bình ổn thị trường, gồm 50 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, hơn 200 cửa hàng Coop, 98 cửa hàng Vissan, 52 cửa hàng Foodcomart, 7 cửa hàng Satra Food… Có 2 đơn vị là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Sài Gòn Co.op làm đầu mối phối hợp cùng Hội Phụ nữ và Thành đoàn tích cực thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển điểm bán, xây dựng mô hình “Cửa hàng Coop” và “Tiệm tạp hóa Thanh niên”. Đến nay, Hội Phụ nữ TPHCM đã vận động hội viên tham gia 609 điểm bán tại chợ truyền thống, địa bàn dân cư, mở 36 cửa hàng Co.op tại hộ gia đình... Tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn trên địa bàn TP là 5.277 điểm, tăng 911 điểm so với thời điểm 1-4-2012. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 2.734 điểm.

Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Quý Tỵ 2013, các sở - ngành chức năng và UBND 24 quận - huyện phấn đấu phát triển 100 điểm bán (gồm 4 siêu thị, 30 - 40 cửa hàng tiện lợi và các điểm bán nhỏ lẻ trong khu dân cư), trong đó tập trung phát triển khu vực ngoại thành và các quận ven, KCX - KCN. Chương trình dự kiến phân bổ DN thành nhiều nhóm thực hiện khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn TP.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các sở ngành trong tổ thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phải nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, kịp thời thông tin nhu cầu thị trường trước, trong và sau tết đến DN và các thành phần kinh tế để có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Tăng cường phối hợp để kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa từ nay đến Tết Quý Tỵ 2013, chủ động, kịp thời điều phối hàng hóa, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Ngành quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, nhất là các địa bàn trọng điểm, bảo đảm kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm...

 

Về công tác thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để hoàn thành chỉ tiêu thu do Chính phủ và Bộ Tài chính giao sẽ là một thách thức rất lớn đối với TP. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần có sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ nhiều phía để công tác thu ngân sách đạt hiệu quả cao. Cục Thuế TP có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn các chi cục thuế tiến hành rà soát tình hình nợ đọng tại các DN trên địa bàn, từ đó phân loại từng nhóm DN phục vụ tốt hơn cho công tác thu ngân sách trong 2 tháng cuối năm.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục