Hàng không Trung Quốc: Thách thức Airbus và Boeing

Hàng không Trung Quốc: Thách thức Airbus và Boeing

Tập đoàn công nghệ hàng không Trung Quốc là hãng sản xuất máy bay lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này đang hy vọng sẽ cho ra đời chiếc máy bay có thể thách đố hai “gã” khổng lồ Boeing và Airbus.

Máy bay “made in China”

Hàng không Trung Quốc: Thách thức Airbus và Boeing ảnh 1
Mô hình chiếc máy bay ARJ21 “made in China”.

Dự án đầy tham vọng của ngành hàng không Trung Quốc là chiếc máy bay ARJ21 đang được lắp ráp tại một xí nghiệp ở Thượng Hải và đã được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 3-2008. Trung Quốc hy vọng chiếc máy bay sản xuất nội địa này có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Chiếc ARJ21 đầu tiên dự kiến xuất xưởng vào tháng 10-2009, là chiếc máy bay có 90 chỗ ngồi, có thể bay xa 2.225 km, sau đó sẽ là một loại máy bay khác được cải tiến có nhiều chỗ ngồi hơn với tầm bay 3.700 km không nghỉ. ARJ21 là sản phẩm nội địa dù sử dụng động cơ General Electric (Hoa Kỳ) cùng nhiều phụ tùng nhập từ nước ngoài. Lô hàng đầu tiên sẽ giao cho hãng Shandong Airlines (nơi đã đặt 10 chiếc).

Trung Quốc từ lâu đã sản xuất gia công phụ tùng cho Boeing và Airbus, nhưng các nỗ lực sản xuất một chiếc máy bay thương mại nội địa -một giấc mộng từ lâu- luôn gặp nhiều vướng mắc. Vào những năm 1970, dự án Thượng Hải Y-10 (bản sao của Boeing 707) được sản xuất để bay thử nghiệm, nhưng bị chìm vào lãng quên do thiếu kinh phí và sự quan tâm của ngành hàng không. Năm 1985, Trung Quốc ký thỏa thuận với McDonnell-Douglas (Hoa Kỳ) cùng sản xuất vài chục chiếc MD-82 và MD-90 ở Trung Quốc, nhưng thỏa thuận kết thúc năm 1988 do bất đồng trong sự chia sẻ công nghệ.

Nhỏ cũng phải có phần

Đối với ngành hàng không quốc tế, việc  xuất hiện một loại máy bay mới chỉ là “chuyện nhỏ”. Nhưng với ngành hàng không Trung Quốc, đó là một sự khởi đầu cũng giống như việc giới thiệu chiếc Airbus A380 hoặc chiếc Boeing Dreamliner thời gian gần đây, vì ARJ21 là chiếc máy bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và sản xuất. Ông Chen Jin, Phó Chủ tịch bộ phận máy bay thương mại của tập đoàn, cho biết chiếc ARJ21 bay rất nhanh, thực hiện được các chuyến bay dài và sẽ có từ 50 đến 110 chỗ ngồi.

Dự án này cũng cho thấy Trung Quốc muốn có phần trong thị trường máy bay nội địa và nước ngoài đang phát triển rất nhanh, do họ theo đuổi tham vọng dài hơi là giữ một vai trò lớn trong việc sản xuất máy bay thương mại. Thăm dò mới đây của hãng sản xuất máy bay  Bombardier Aerospace (Canada) cho thấy, trong 20 năm nữa, cần có thêm 11.200 máy bay để đáp ứng mảng thị trường máy bay từ 20 đến 149 chỗ ngồi và Trung Quốc hy vọng đáp ứng 1.600 chiếc (15%).

Hiện Tổng cục hàng không dân dụng Trung Quốc đang nóng lòng khuyến khích các nhà sản xuất nội địa đáp ứng số máy bay này. Một phần chiến lược của Trung Quốc là giúp mọi người có thể di chuyển nhanh chóng giữa các thành phố, phát triển vùng và dịch vụ giá thấp, cũng như tăng khả năng đáp ứng dịch vụ hàng không ở miền Tây. Hiện hoạt động vận chuyển hàng không Trung Quốc vẫn chỉ dựa vào vài sân bay lớn, trong khi phải cần đến 20 sân bay cỡ lớn nhất mới đáp ứng nhu cầu của 80% lượng hành khách. Máy bay nhỏ trên các hành trình ngắn sẽ giúp giảm sức ép cho các sân bay chính, cũng như cải thiện tần suất bay, tính hiệu quả trong việc sử dụng máy bay.  ARJ21  ra đời sẽ đáp ứng được các đòi hỏi vừa nêu.

Tuy nhiên, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc đang phát triển lại thiếu hàng ngàn phi công trong vài năm tới. Ông Gao Hongfeng, Phó Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, cho biết nước này cần thêm hơn 9.000 phi công từ năm 2010 do các hãng bay có thêm khoảng 150 máy bay mới/năm, trong khi khả năng đào tạo chỉ khoảng 7.000 phi công, tức là thiếu khoảng 2.000 người. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới Trung Quốc có thể cho phép các công ty tư nhân mở trung tâm đào tạo phi công bên cạnh việc tăng cường thuê phi công người nước ngoài.

Diên Hy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục