Hàng loạt quốc gia “bơm” tiền chống suy thoái kinh tế

Hàng loạt quốc gia “bơm” tiền chống suy thoái kinh tế

* IMF kêu gọi huy động vốn

Hàng loạt quốc gia “bơm” tiền chống suy thoái kinh tế ảnh 1

Thủ tướng Australia Kevin Rudd thông báo về gói kích thích kinh tế tại Tòa nhà Quốc hội.

Ngày 3-2, một loạt quốc gia trên thế giới tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế nhằm đưa nền kinh tế của mỗi nước thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Chính phủ Australia đã đưa ra gói kích thích trị giá 26 tỷ USD với mục tiêu ngăn chặn nền kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái.

Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho biết chính phủ sẽ dành hơn 18 tỷ USD cho trường học, nhà cửa, giao thông và 7,6 tỷ USD để hỗ trợ những người có thu nhập thấp và trung bình.

Quyết định giải cứu nền kinh tế được đưa ra sau khi có những báo cáo về mức độ tăng trưởng chậm trong nửa thời gian đầu của năm tài khóa 2009 và những dự đoán về tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại Australia. Ngân hàng Trung ương Australia cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 45 năm qua là 3,25%.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng trung ương nước này cam kết sẽ chi 11,2 tỷ USD để mua các cổ phần của các ngân hàng thương mại nhằm giảm căng thẳng khủng hoảng tín dụng. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đang tạo sức ép lên Quốc hội để thông qua gói cứu trợ trị giá gần 900 tỷ USD. Trong khi đó Chính phủ Đức cũng thông báo có khả năng quốc hữu hóa một số ngân hàng của nước này. Trung Quốc cũng đưa ra gói cứu trợ trị giá 19 tỷ USD.

Trước đó, ngày 2-2, Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã đưa ra hàng loạt các giải pháp cứu nguy nền kinh tế trị giá hơn 33 tỷ USD. Trong đó bao gồm hơn 13 tỷ USD để giúp đỡ các doanh nghiệp và 4,8 tỷ USD cho cải thiện các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng. Với gói kích thích này, Chính phủ Pháp hy vọng tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2009 sẽ đạt 1,3%.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tổ chức này muốn nhân đôi số tiền cho các chính phủ vay để chống lại khủng hoảng kinh tế từ 250 tỷ USD lên 500 tỷ USD. Hiện tại, IMF đã có 250 tỷ USD và Nhật Bản đã cam kết sẽ cho tổ chức này vay thêm 100 tỷ USD. Để đạt được mục đích, IMF tiếp tục kêu gọi các cường quốc trên thế giới hỗ trợ tổ chức này và xem xét khả năng lần đầu tiên phát hành trái phiếu để huy động vốn. 

V.C. (Theo AFP, BBC)

Tin cùng chuyên mục