Ngành sản xuất chất giặt rửa

Hàng nội mất thế - vì sao?

Hàng nội mất thế - vì sao?

Chi phí quảng cáo quá ít so với các công ty liên doanh, trong khi giá bán không thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các công ty liên doanh và những hạn chế về thiết bị, công nghệ cũng như cơ chế đối với các đại lý chưa thoáng, kinh nghiệm làm thị trường chưa cao…. đang là những lý do khiến cho các sản phẩm giặt rửa mang thương hiệu nội dần dần mất thế.

Hàng nội mất thế - vì sao? ảnh 1

Các sản phẩm giặt tẩy thương hiệu ngoại ngày càng chiếm ưu thế.

Dạo quanh thị trường chất giặt tẩy những năm gần đây, người ta thấy các thương hiệu nội dần dần vắng bóng. Trên các quầy sạp tạp hóa và đặc biệt là ở các siêu thị, chỉ thấy toàn là các sản phẩm mang thương hiệu ngoại như OMO, Viso, Tide… Điều này khiến cho không ít người thắc mắc: Vì sao mà hàng nội “chết” nhanh đến vậy?

Thực tế cho thấy, những năm gần đây ngành công nghiệp sản xuất chất giặt rửa Việt Nam phát triển khá mạnh với nhiều thành phần kinh tế như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, công ty tư nhân, công ty TNHH và công ty nhà nước.

Công suất thiết kế của các doanh nghiệp sản xuất chất giặt rửa hiện đạt khoảng 380.000 tấn/năm (riêng Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đạt khoảng 180.000 tấn/năm), trong đó bột giặt đạt 240.000 tấn/năm).

Như vậy nếu tính theo bình quân đầu người thì mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 5kg chất giặt tẩy/người. Có thể nói, do có nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có các công ty nước ngoài, công ty liên doanh của các tập đoàn đa quốc gia mạnh về tài chính nên ngành công nghiệp sản xuất chất giặt rửa Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng cạnh tranh gay gắt.

Mặc dù các công ty sản xuất chất giặt rửa nhà nước thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam có nhiều cố gắng trong cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì và quảng cáo tiếp thị… song những năm gần đây vẫn phải giảm sản lượng do hiệu quả sản xuất kinh doanh bị giảm sút. Thực tế cho thấy, trong những năm từ 1994 đến 1997, ngành sản xuất chất giặt rửa của Tổng Công ty Hóa chất liên tục tăng trưởng, nhưng từ năm 1998 đến nay đã giảm sút rõ rệt.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm của ngành chất giặt rửa là do các dây chuyền lạc hậu, công suất thiết kế nhỏ chỉ từ 5.000 tấn/năm đến 20.000 tấn/năm lại chưa hoàn toàn tự động hóa các thiết bị máy móc sản xuất như phối trộn nguyên liệu, phun trộn enzym, hệ thống cân và đóng gói… nên các sản phẩm chưa ổn định về chất lượng. Trong khi đó các công ty liên doanh đã cải tiến nâng cấp thiết bị, tăng công suất, đưa tự động hóa vào sản xuất, do đó sản phẩm của họ đạt chất lượng cao, ổn định, năng suất lao động tăng và giá thành hạ.

Trong lĩnh vực thị trường và giá cả, hiện tại TCT Hóa chất đã có một hệ thống mạng lưới tiêu thụ rộng khắp các địa phương trong cả nước, đã có chính sách đối với các đại lý thông qua các hình thức khuyến mại, hoa hồng, chiết khấu, thưởng… Song so với các công ty liên doanh, chi phí khuyến mại, hoa hồng của các đơn vị trong nước vẫn thấp hơn, các chế độ ưu đãi và lợi nhuận không cao, do đó mạng lưới tiêu thụ bị thu hẹp lại. Hơn nữa chi phí quảng cáo quá ít so với quảng cáo của các công ty liên doanh, trong khi giá bán không thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các công ty liên doanh (so các sản phẩm tương đương về chất lượng).

Mặt khác, do còn nhiều hạn chế về tài chính nên các cơ chế đối với đại lý không được rộng rãi, kinh nghiệm làm thị trường, quảng cáo chưa cao, lại thêm thiết bị chưa hiện đại, công nghệ chưa tiên tiến, nên năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm thấp, cùng với tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng đã khiến cho ngành sản xuất chất tẩy rửa nội địa hiện đang lâm vào tình trạng dường như là bế tắc.

Có thể nói, để phát triển sản xuất, tiến tới hội nhập với thị trường trong nước và thế giới, ngành sản xuất chất tẩy rửa cần phải có các giải pháp đầu tư vào công tác đào tạo nhân lực, đào tạo con người có trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ để điều hành và phát triển ngành sản xuất chất tẩy rửa.

Bên cạnh đó, cần phải tập trung đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cấp và tự động hóa trang thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và hạ giá thành thì mới hy vọng có được vị trí trong thị trường. Nếu ngành sản xuất chất giặt tẩy Việt Nam biết kết hợp tốt giữa việc nâng chất lượng, tạo được mùi thơm đặc trưng của từng sản phẩm, chú trọng đầu tư tập trung vào một số nhãn mác có uy tín và tăng cường tập trung quảng cáo, tiếp thị… thì chắc chắn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, gia tăng sản lượng tiêu thụ và đứng vững trong thời kỳ hội nhập. 

DŨNG HƯNG

 

Tin cùng chuyên mục