Hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm: Quá yếu

Hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm: Quá yếu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm động thực vật tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Đây là điều cần thiết, bởi cho đến nay, chỉ mới có TPHCM đưa ra chỉ tiêu là đến năm 2010, rau lưu thông trên thị trường phải là rau an toàn. Các địa phương khác không dám đưa ra chỉ tiêu này vì diện tích rau an toàn còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất rau an toàn chưa được đầu tư về hệ thống giao thông, thủy lợi nên chưa đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Thậm chí có địa phương đến nay đó chỉ mới là kế hoạch.

Tương tự, trong hoạt động giết mổ gia súc và gia cầm, ngoài TPHCM làm khá tốt việc này thông qua các quy định như giết mổ gia cầm tập trung và giết mổ treo gia súc, những địa phương khác, kể cả Hà Nội, vẫn còn rất lỏng lẻo, phân tán nên tình trạng giết mổ lậu diễn ra tràn lan...

 Do đó, Bộ NN-PTNT đã quyết tâm từ nay đến cuối năm phải thực hiện việc tập trung giết mổ cả gia súc và gia cầm ở các thành phố trong cả nước, đồng thời chấn chỉnh việc kinh doanh, bảo quản thủy sản nội địa, đặc biệt là chất bảo quản.

Song song đó, dù chưa đòi hỏi 100% lượng rau tiêu thụ trên thị trường phải được cấp giấy chứng nhận rau an toàn, nhưng chí ít phải đảm bảo lượng rau này có dư lượng dưới ngưỡng cho phép nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng.

Lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

Lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

Nhưng cũng ngay tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng thừa nhận, hàng rào kỹ thuật của ta còn quá yếu so với các nước trong việc bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Những lô hàng sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu thời gian qua liên tục có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đã minh chứng cho những cảnh báo về khiếm khuyết này.

 Không chỉ sản phẩm động vật, ngay các mặt hàng nông sản khác như trái cây, rau quả cũng vậy. Trong khi đó, Nhật Bản hay lãnh thổ Đài Loan… chỉ đồng ý cho nhập khẩu trái cây nếu được xử lý bằng hơi nhiệt. Chính vì yêu cầu này mà nhiều năm qua trái cây Việt Nam, cụ thể là thanh long không thể xuất qua Nhật Bản hay Đài Loan. Mới đây một doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy xử lý hơi nhiệt đầu tiên của Việt Nam tại Đồng Nai nhằm giải quyết yêu cầu trên.

Tương tự, để xuất sang Mỹ, trái cây Việt Nam đảm bảo phải qua chiếu xạ mà việc xử lý nhiệt hay chiếu xạ của các nhà máy tại Việt Nam cũng phải được Nhật Bản, Mỹ kiểm tra, công nhận. Ngay cả Indonesia, quy định mới đây cho thấy, để quốc gia vùng Đông Nam Á này đồng ý cho thực phẩm tươi nhập khẩu thì chí ít phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của nước sở tại trước khi xuất.

Các nước khác dựa vào 18 hiệp định và bộ quy tắc ứng xử, trong đó có hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh động thực vật SPS và hiệp định hàng rào kỹ thuật TBT để dựng lên những hàng rào kỹ thuật trong khuôn khổ quy định của WTO. Nhờ các hiệp định này mà họ đã hạn chế được việc lây lan dịch bệnh, ruồi đục trái, thực phẩm có dư lượng hóoc môn, thuốc trừ sâu…

Bấy lâu nay, chúng ta chỉ quan ngại nhiều đến chất lượng và dư lượng các loại hóa chất các sản phẩm nông nghiệp trong nước mà chưa chú ý nhiều đến những rào cản kỹ thuật để bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

Do vậy, việc xây dựng gấp hàng rào kỹ thuật là việc nhanh chóng phải làm, bởi không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn là sự sống còn một số mặt hàng nông nghiệp trong nước.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục