Trao đổi với hơn 150 DN, ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho hay, năm 2017 xuất khẩu hàng hóa qua AEON đạt 250 triệu USD và để tăng doanh thu lên gấp đôi vào năm 2020, gấp 4 lần vào năm 2025, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía DN và sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành Việt Nam lẫn Tập đoàn AEON. Trên thực tế, xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đều tăng nhưng chủ yếu là xuất qua các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tại các cửa hàng của AEON đang bày bán rất nhiều mặt hàng, nhưng tất cả đều phải trải qua quá trình cạnh tranh mới vào được. Nếu hàng hóa của Việt Nam vào được hệ thống của AEON tại Nhật Bản và các quốc gia có hiện diện điểm bán của AEON , cũng đồng nghĩa DN có thể “đứng” được trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Một số DN tại Việt Nam đã làm được điều này. Điển hình như Công ty CP Việt Nam. Năm 2018, công ty này đã xuất sang AEON Nhật Bản 1.000 tấn cá ba sa và được AEON trao danh hiệu “Nhà cung cấp ưu tú”. Sản phẩm được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng do nhà sản xuất đã đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật từ AEON, như thay đổi thức ăn cho cá nên đạt được độ tươi ngon cao, đầu tư mới máy móc thiết bị sản xuất mới để kéo giảm giá thành nên sản phẩm xuất khẩu tăng đến 20 lần.
Hay với trái xoài, ở Nhật Bản bán nhiều xoài của Thái Lan, Philippines và Đài Loan. Theo ông Yasuo Nishitoghe, xoài của Việt Nam rất thơm ngon nhưng nếu không so sánh với xoài Thái Lan hay Đài Loan ở thị trường nước ngoài thì không thể biết xoài Việt Nam thực tế đứng ở vị trí nào. “Năm 2014, chúng tôi bắt đầu bán xoài Pakistan có giá rẻ và ngon hơn xoài Thái Lan, Philippines. Điều này đồng nghĩa xoài Pakistan thắng thế trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu. Cá nhân tôi muốn khách hàng mua xoài của Việt Nam, nhưng để hấp dẫn người tiêu dùng, ngoài yếu tố về chất lượng và an toàn thực phẩm thì giá bán phải cạnh tranh. Để làm được việc này, rất cần các công ty sản xuất, xuất khẩu nông sản hợp tác chặt chẽ với chúng tôi để cải thiện chất lượng, giảm giá thành nhằm sản phẩm đủ sức cạnh tranh”, ông Yasuo Nishitoghe nói.
Trong năm 2018, Bộ Công thương và Tập đoàn AEON đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối tại Việt Nam. Hai bên đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ xuất khẩu sang AEON Nhật Bản 500 triệu USD, đến năm 2025 là 1 tỷ USD. Hiện AEON đã xây dựng kế hoạch thực hiện cam kết đã ký, như mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trong toàn hệ thống, từng bước hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất cho nhà cung cấp Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn của AEON; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng tại Nhật Bản và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống AEON ở các nước.
Theo số liệu của Tập đoàn AEON, năm 2018, tập đoàn này chủ yếu nhập sản phẩm may mặc, thủy sản, đồ gỗ, giày dép, các loại túi, nón, dù… từ Việt Nam nhưng số lượng còn rất khiêm tốn. Chỉ riêng lĩnh vực may mặc, sản lượng hàng Việt Nam xuất sang AEON còn ít hơn hàng Campuchia và Myanmar. Trong năm 2019, AEON đặt trọng tâm thu mua 4 nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế là dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe. Với nguyên tắc “yên tâm, tin cậy, chất lượng cao”, AEON yêu cầu nhà cung cấp phải tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.
Ngay tại hội thảo, các DN tham gia đã trực tiếp làm việc với các chuyên gia, bộ phận mua hàng của AEON trong 4 nhóm hàng trên để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.
Phía AEON cũng cho hay, trong tháng 6 tới sẽ phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản. Tuần hàng lấy chủ đề “Việt Nam hấp dẫn”, giới thiệu văn hóa ẩm thực phong phú của Việt Nam bao gồm các món ăn, hàng thủ công mỹ nghệ… Trong khuôn khổ tuần hàng sẽ diễn ra sự kiện kết nối DN Việt với bộ phận thu mua của AEON tại Nhật Bản, hội thảo giới thiệu những quy chuẩn quản lý chất lượng của Tập đoàn AEON.