Hàng vạn di tích sẽ được số hóa

Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích
Hàng vạn di tích sẽ được số hóa

Số hóa di sản là phương pháp được tiến hành phổ biến ở nhiều nước trên thế giới song với Việt Nam khái niệm này còn khá mới mẻ. Vì thế, thông tin phê duyệt chủ trương xây dựng một ngân hàng dữ liệu số về di tích của Bộ VH-TT-DL đã mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản vốn đang rất bộn bề.

Phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng công nghệ 3D.

Phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng công nghệ 3D.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích

Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ. Năm 2008, sau khi cổng thành Namdeamun của Hàn Quốc bị lửa thiêu rụi, các nhà Bảo tồn di sản Hàn Quốc đã không mấy khó khăn để phục dựng lại di sản hơn 600 năm tuổi này, bởi trước đó từ nhiều năm, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành số hóa di tích này được làm tỉ mỉ tới từng mấu ghép nối nhỏ.

Ví dụ trên để thấy, với các giải pháp công nghệ khác nhau, từ những ứng dụng ở mức độ cao như 3D, đồ họa, ảo hóa dữ liệu đến những hình thức đơn giản như quay phim, chụp ảnh, ghi âm, công tác số hóa cho phép các di sản được lưu giữ, bảo tồn bền vững nhất, đề phòng những rủi ro từ những phương pháp lưu trữ truyền thống vốn rất cồng kềnh và khó cho cả người sử dụng.

Việt Nam có hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, gần 8.000 lễ hội và rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em. Tuy vậy, các di sản này luôn chịu tác động của nhiều nhân tố như: thời gian, biến đổi của địa lý và khí hậu, những biến dạng của môi trường sống, ý thức của cộng đồng, sự xê dịch văn hóa và thay đổi của ý thức hệ...

Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, là công việc hệ trọng, phức tạp và nặng nề không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thế, người ta tìm đến với giải pháp: số hóa di sản.

Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha khoảng từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Sau đó là quá trình số hóa không gian Hoàng thành Thăng Long và nhiều di sản khác của Hà Nội cùng những họa tiết, hoa văn, chi tiết kiến trúc, mỹ thuật trong các công trình của Hoàng thành… Song công việc mới chỉ là những hoạt động manh mún và gặp nhiều khó khăn về nguồn tư liệu cũng như kỹ thuật, máy móc.

Với việc Bộ VH-TT-DL vừa chính thức có văn bản giao Viện Bảo tồn Di tích làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam”, đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc số hóa di sản. Là đơn vị được giao thực hiện dự án, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, KTS Lê Thành Vinh cho biết, việc số hóa di tích thì Viện cũng đã tiến hành thử nghiệm từ nhiều năm trước. Kết quả thu được khiến những người đang trực tiếp bắt tay vào thực hiện dự án thấy tự tin.

Giá trị di sản sẽ được lan tỏa mạnh mẽ

Không dừng lại ở việc bảo tồn, tôn tạo di tích, số hóa di sản còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng các chương trình trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch cũng như giáo dục về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Sự phát triển của công nghệ cũng cho phép đông đảo công chúng, không kể tới vị trí địa lý đều có thể hưởng thụ những giá trị mà các di sản mang lại. Thực tế, trên thế giới có hàng trăm bảo tàng, công trình kiến trúc, di tích ảo được đưa lên mạng Internet mà người dùng có thể ngồi một chỗ vẫn tìm được mọi thông tin.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nếu có một bảo tàng số đẹp, hiện đại, chắc chắn khi xem trên mạng, người ta sẽ tò mò và muốn đến tận nơi để xem tận mắt di sản đó. Giá trị của di sản nhờ đó cũng được lan tỏa mạnh mẽ hơn. “Số hóa di sản” có thể đem lại nhiều lợi ích trong tái tạo, nghiên cứu, quảng bá, tham quan di sản cũng như những hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan.

Cách đây mấy năm, trong khi kho sắc phong cả nước đang đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp, Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa công tác lưu trữ sắc phong, đồng thời mở “dịch vụ” khôi phục, làm lại sắc phong. Việc số hóa đã giúp bảo tồn bền vững một di sản vô cùng quý giá.

Tuy nhiên, không phải bất cứ di tích nào cũng có thể tiến hành số hóa. Ông Lê Thành Vinh khẳng định như trường hợp điện Kính Thiên, những hình ảnh, tư liệu về di tích gần như không còn nên mọi thông tin về di tích đều mang tính phỏng đoán chứ không phải số liệu thực tế. Do đó, trước mắt sẽ có khoảng 4 vạn hồ sơ di tích được số hóa.

Mỗi hồ sơ không chỉ cung cấp cho người xem thông tin về giá trị di tích, lịch sử hình thành mà còn cho người xem hiểu sâu hơn về quá trình tồn tại, những biến thiên thăng trầm... Những hồ sơ này còn cập nhật đầy đủ về công tác trùng tu, cấu kiện nào nguyên trạng, cấu kiện nào vừa được gia cố, hay phải thay mới...

Ông Lê Thành Vinh nhấn mạnh, những hồ sơ di tích này ngoài việc cần thiết cho công tác nghiên cứu tu bổ ở thời điểm hiện tại, nếu được gìn giữ tốt, chỉ vài chục năm sau nó sẽ trở thành những di sản tư liệu và có giá trị không chỉ ở việc bảo tồn mà còn ở nhiều góc độ khác như khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật...

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục