(SGGP).- Theo tổng hợp của Bộ LĐTB-XH từ 27 tỉnh, thành phố đang có 103 doanh nghiệp nợ lương của người lao động, trong đó có 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 16 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, 77 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 2 doanh nghiệp FDI. Tính đến cuối tháng 12-2012, hơn 10.000 lao động bị nợ lương với hơn 71 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương tổng số doanh nghiệp nợ lương lại lên tới hơn 600 doanh nghiệp, với khoảng 60.000 lao động bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền lương, cuối năm thời điểm người lao động cần được chi trả các chế độ về tiền lương để đảm bảo lo sinh hoạt gia đình và chi tiêu tết.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và bị nợ lương. Tập trung giải quyết các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Ưu tiên việc chi trả lương, giải quyết chế độ cho người lao động tại những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và bị nợ lương.
P. VĂN