Hàng Việt soán ngôi

Hàng Việt chi phối từ 80% - 90% trong tổng lượng hàng bày bán, kinh doanh tại các hệ thống phân phối siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… Trong số đó, có nhiều nhóm mặt hàng, hàng Việt đang ở vị thế độc tôn, không có đối thủ.

Hàng Việt chi phối từ 80% - 90% trong tổng lượng hàng bày bán, kinh doanh tại các hệ thống phân phối siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… Trong số đó, có nhiều nhóm mặt hàng, hàng Việt đang ở vị thế độc tôn, không có đối thủ.

Không ngừng gia tăng thị phần

Theo Sở Công thương, tính đến nay, TPHCM hiện có 243 chợ truyền thống (trong đó có 3 chợ đầu mối), 30 trung tâm thương mại (TTTM) kinh doanh đa ngành hiện đại, 185 siêu thị và hơn 500 cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng TP.

Kết quả khảo sát thực tế Sở Công thương TP về tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị, nhà sách thực hiện trong tháng 8-2013 cho thấy, tại siêu thị Lotte Mart Lê Đại Hành, quận 11, tổng số mặt hàng Việt đang kinh doanh chiếm tỷ lệ 84,2%, hàng ngoại nhập là 15,8%; tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ hàng nội chiếm 99%, chỉ 1% là hàng ngoại; tại TTTM Maximark đường 3-2, hàng Việt chiếm hơn 70%…

Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc TTTM Maximark Cộng Hòa, cho biết, trước đây hàng Việt chỉ chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng kinh doanh, nhưng nay đã tăng lên hơn 70%. Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 vừa qua, lần đầu tiên Maximark đã thực hiện thành công chủ trương giảm từ 30% - 40% lượng bánh kẹo ngoại nhập khẩu, bù vào đó siêu thị sẽ đặt hàng các DN sản xuất trong nước. Theo bà Thảo, bánh kẹo nội không chỉ đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt mà giá bán luôn thấp hơn từ 25% - 35% tùy mặt hàng, sẽ tiện lợi hơn cho người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Báo cáo của các DN phân phối gửi về Sở Công thương cũng cho thấy, đến cuối tháng 7-2013 tại hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Satrafood, Vissan, BigC, Vinatexmart, lượng hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên. Tại các hệ thống khác, lượng hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 70% - 80% trong tổng lượng hàng hoá đang kinh doanh, trong đó hàng ngoại nhập chủ yếu thường là các mặt hàng gia dụng cao cấp (nồi, tô, chén, phích nước...), mỹ phẩm, rượu, giày thể thao...

Theo nhận định của các nhà kinh doanh, việc đưa hàng ngoại nhập vào bán tại các siêu thị chỉ làm phong phú thêm mặt hàng, tạo thêm sự lựa chọn, so sánh cho khách hàng. Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn thích dùng những sản phẩm cùng loại của các DN trong nước như nhôm Kim Hằng, phích nước Rạng Đông… vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng giá bán thấp hơn nhiều so với hàng ngoại.

Độc chiếm thị trường

Những nhóm hàng Việt gần như độc quyền chiếm lĩnh thị trường hiện nay đều là những mặt hàng thiết yếu như thuỷ hải sản tươi và đông lạnh, thực phẩm chế biến, gạo, trái cây, rau củ quả, bánh mứt… Hàng Việt làm được điều này không chỉ bởi VN có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng này, nét đặc thù của hàng sản xuất tại chỗ có ưu thế giá tốt hơn, mà còn do chất lượng sản phẩm và khẩu vị ngon, nhà sản xuất đã cố công đầu tư uy tín thương hiệu.

Ở những mặt hàng khác như quần áo, giày dép, văn phòng phẩm… hàng Việt cũng từng bước khẳng định vị thế của mình. Điển hình như mặt hàng cặp, ba lô, túi xách học sinh, nếu trước đây hàng Thái Lan, Trung Quốc tràn ngập thị trường TP, thì nay sản phẩm trong nước đã thắng thế, bằng chính chất lượng và sự đa dạng của mẫu mã nhưng giá bán luôn thấp hơn từ 20% - 40% so với mặt hàng cùng loại.

Với tỷ lệ áp đảo đến 98% thị phần, thực phẩm đông lạnh và chế biến trong nước gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Với hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp, theo các siêu thị, thì doanh thu từ bán hàng nội cũng chiếm tỷ lệ tương đương với thị phần. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy các nhà sản xuất trong nước đã tận dụng các nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, rau củ, gạo, bắp… để cung cấp cho người tiêu dùng thực đơn món ăn tiện dụng như xôi hải sản chiên, lẩu, BBQ (đặc sản nướng), kho.

Trái cây nội cũng được ưu tiên chọn mua nhiều hơn. Vú sữa, xoài, thanh long, bưởi… là những mặt hàng bán chạy hơn hẳn các loại nho, táo, lê… nhập khẩu. Bởi người tiêu dùng sợ mua trái cây ngoại có dùng chất bảo quản, mua trái cây nội, ngon hơn, giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng.

Theo thống kê của bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh khai thác chợ đầu mối Thủ Đức, nếu những năm trước trái cây nhập khẩu chiếm hơn 30% tổng lượng hàng, thì nay 90% lượng trái cây cung ứng là từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ. Trái cây ngoại hiện chỉ có một số mặt hàng như: bom, lê, nho, cam của Mỹ, Úc, Trung Quốc… chiếm chưa đến 10% trên tổng lượng hàng về chợ mỗi đêm. Do trái cây VN ngon, chất lượng tốt, an toàn nên giá bán cũng cao hơn hẳn hàng của Trung Quốc.

Tương tự, ở mặt hàng rau củ quả, hàng VN đã làm chủ sân nhà. Không dừng lại ở mặt hàng rau an toàn, nhiều DN và HTX đã triển khai đồng loạt các trang trại sản xuất đạt chuẩn VietGAP để nâng chất lượng các loại rau, phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người Việt. Riêng tại hệ thống Co.opMart, từ nhiều năm qua cũng đã thực hiện chiến lược ưu tiên hàng nội, nói không với thực phẩm Trung Quốc…

Có thể nói, tại thời điểm này, hàng Việt đã và đang có nhiều ưu thế trên thị trường TPHCM không chỉ bởi chất lượng tốt, chế độ hậu mãi tốt mà giá bán rất cạnh tranh. Doanh thu từ hàng trong nước hiện đã chiếm tới 90% trong tổng doanh thu bán hàng của nhiều siêu thị trên địa bàn. Đó là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các DN, người tiêu dùng đến nhà kinh doanh phân phối…

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục