Trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu

Hành động hay là chết?

Hành động hay là chết?

Lord Robert May - nhà khoa học hàng đầu nước Anh - so sánh sự biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng trái đất nóng dần lên sẽ mang tính hủy diệt tương tự vũ khí giết người hàng loạt. Mùa hè năm 2003, đợt nóng khủng khiếp tại châu Âu đã làm khoảng 50.000 người chết, cháy rừng lan rộng khắp Tây Ban Nha, Pháp và Italia, nhiều con sông khô cạn và mùa màng thất bát...

  • Khí hậu ngày càng khắc nghiệt
Hành động hay là chết? ảnh 1
Những thành phố công nghiệp như thế này là nguyên nhân quan trọng làm biến đổi khí hậu.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến đổi khí hậu đã gây thêm ít nhất 5 triệu ca bệnh nghiêm trọng và thêm hơn 150.000 người chết mỗi năm. Cơ quan Môi trường châu Âu (EAA) cảnh báo, châu Âu đang phải đối mặt với sự thay đổi khí hậu tồi tệ nhất trong 5.000 năm qua.

Theo báo cáo ngày 29-11 của EAA, châu Âu đã trải qua 4 năm nóng kỷ lục là các năm 1998, 2002, 2003 và 2004, và đã có 10% băng phủ ở dãy núi Alps biến mất chỉ riêng trong mùa hè năm 2003. Với tình hình hiện nay, 2/3 số băng phủ ở Thụy Sĩ sẽ tan chảy hết vào năm 2050.

Trong thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,7oC. Đây là do hậu quả của việc trái đất nóng dần lên, chủ yếu do đốt than, khí gas - những nhiên liệu chứa carbon.

Tuy nhiên, riêng tại châu Âu, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,95oC, tăng 35%. Nhiều khu vực ở châu Á và Nam Mỹ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước vì các vùng băng hà đang bị tan chảy nhanh, trong khi số dân các thành phố và làng mạc có nguy cơ bị nước biển tràn ngập dự kiến sẽ tăng từ 75 triệu người hiện nay lên 200 triệu người vào năm 2080.

Hiện tượng toàn cầu ấm lên được xem là một trong số những thách thức, bên cạnh việc bảo tồn sự đa dạng sinh thái, các nguồn đất và nước, chống ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy dù là dân châu Phi nghèo nàn hay dân châu Âu giàu có, chẳng ai sống trong “ngôi nhà chung” trái đất có thể miễn nhiễm trước hậu quả của sự thay đổi khí hậu.

Chẳng phải tự dưng mà thiên nhiên lại trở chứng như thế. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, lượng khí thải CO2 và methane gây hiệu ứng nhà kính đã lên đến mức cao nhất trong vòng 650.000 năm qua. Các khí thải tích tụ trong bầu khí quyển là hệ quả của việc đốt cháy nhiên liệu cùng những hoạt động sống khác.

Các chất khí ngày càng dày đặc đã tạo thành một lớp giữ nhiệt của mặt trời, tương tự tính năng một nhà kính và gây ra hiện tượng trái đất nóng dần lên. Nếu không có hành động hiệu quả trong một vài thập kỷ tới thì cùng với hiện tượng ấm lên sẽ là việc các tảng băng ở Bắc cực tan chảy, mực nước biển dâng lên, sa mạc hóa nhiều nơi. Trước đây khoảng 200 năm, mỗi năm mặt biển dâng cao 1mm, nhưng bây giờ, tốc độ này đã tăng gấp đôi: 2mm/năm.

  • Nghị định thư Kyoto
Hành động hay là chết? ảnh 2

Biểu tình tại Montreal (Canada) đòi ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên.

Đây là một thỏa thuận mang tính quốc tế, đặt ra những mục tiêu cho các nước công nghiệp hóa kéo giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases -GHGs).

Nghị định thư Kyoto được thông qua trong Hội nghị tại Kyoto, Nhật Bản năm 1997, dựa trên các nguyên tắc được ký kết trước đó tại Hội nghị sơ bộ của LHQ về sự thay đổi khí hậu năm 1992 ở Rio de Janeiro (Brazil). 38 nước phát triển đồng ý nỗ lực để đến những năm 2008-2012 sẽ giảm được lượng GHGs xuống thấp hơn mức năm 1990 ít nhất 5%. Tùy theo khả năng, mỗi nước sẽ tự đặt ra mục tiêu cho mình. Chẳng hạn các nước EU được mong chờ sẽ giảm được 8% và Nhật Bản 5%.

Một số nước khác hiện có lượng khí thải thấp thì không cấm thải khí nhiều hơn. Các nước đang phát triển không bị ràng buộc nhưng được khuyến khích tham gia. Nghị định thư Kyoto cũng quy định việc mua bán quota khí thải, phát triển công nghệ sạch, nhằm thúc đẩy các kế hoạch hợp tác cắt giảm khí thải giữa nước phát triển và nước đang phát triển. Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-2-2005.

  • Mua bán quota khí thải

Các nước được phép mua và bán hạn ngạch (quota) khí thải nhà kính của mình. Ví dụ, một nước đã dùng quá phần quota của mình có thể mua lại phần quota chưa dùng hết của một nước khác để bù vào. Ngoài ra, còn có thể tăng hạn ngạch bằng cách tiến hành những hoạt động nhằm tăng cường khả năng hấp thụ carbon của môi trường, trong đó có việc trồng rừng và bảo tồn đất trồng. Các hoạt động này được ghi nhận như nhau, dù tiến hành trong hay ngoài nước.

  • Con đường gập ghềnh nhưng thiết yếu

Các khí thải nằm trong bản danh sách đen gồm:

Carbon dioxide (CO2)
Methane (CH4)
Hydrofluorocarbons (HFCs)
Perfluorocarbons (PFCs)
Sulphur hexaflouride (SF6)

Gần đây, các nhà khoa học liên tục báo động rằng tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay nhanh hơn tốc độ kiềm chế nó mà con người đang thực hiện. Thế nhưng, đến nay, trong số các nước châu Âu, chỉ có Pháp, Thụy Điển và Anh thực hiện tốt cam kết Kyoto, những nước còn lại như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland thì “vũ như cẩn”.

Năm 2001, Mỹ đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto, lấy cớ nghị định thư này thiên vị cho các nước đang phát triển, không yêu cầu những nước này ký cam kết.  Nhưng lý do thực sự nằm ở chỗ Mỹ là một nước “phun khói” nhiều nhất thế giới, một mình chiếm tới 1/4 lượng khí thải toàn cầu. Thái độ của người Mỹ khiến cho phần còn lại của thế giới hiểu rằng, khí hậu cũng quan trọng nhưng lợi ích kinh tế còn quan trọng hơn.

Ai lo cho trái đất thì cứ việc lo, chú Sam chỉ lo cho túi tiền của mình mà thôi. LHQ dự đoán với đà thải khí “sống chết mặc bây” như thế này thì đến năm 2010, lượng khí thải từ các nước phát triển sẽ vượt hơn mức năm 1990 tới 10%. Những nhà môi trường học cho rằng tuy Nghị định thư Kyoto chưa phải là hoàn hảo, nhưng ít ra Nghị định cũng đã thiết lập được một thỏa thuận khung cho những cuộc thương thảo trong tương lai.

Nếu nó bị phá vỡ, thì lại phải mất hàng thập kỷ nữa để có thể đưa ra thỏa thuận khác. Vì vậy, Hội nghị về thực hiện Nghị định thư Kyoto tại Montreal lần này được kỳ vọng như một sự khởi đầu mới, giúp các nước đồng lòng với nhau vì lợi ích chung. Quả thật, chẳng có vấn đề gì quan trọng cho tương lai con em chúng ta bằng một giải pháp toàn cầu đối phó với sự thay đổi khí hậu.

Hội nghị Liên hiệp quốc về thực hiện Nghị định thư Kyoto diễn ra ở Montreal, Canada từ ngày 28-11 đến 9-12-2005, với sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu của 189 chính phủ, nhóm vận động môi trường và doanh nghiệp.

BẢO TRÚC

Tin cùng chuyên mục