Hạnh phúc không tật nguyền

Gặp nhau trong một hội nghị quốc tế, tôi có ấn tượng rất mạnh khi thấy một người đàn ông nhỏ thó, ngồi khiêm tốn trên xe lăn lại có khả năng nói thông thạo ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp; lối nói chuyện rất dí dỏm và đôi mắt sáng luôn ánh lên niềm tin tưởng. Và khi biết anh chàng bình dị, hay cười này là chủ doanh nghiệp thành đạt, là biên tập viên của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế… thì tôi hoàn toàn bị chinh phục. Anh là Nguyễn Trung - “Giám đốc xe lăn”.
Hạnh phúc không tật nguyền

Gặp nhau trong một hội nghị quốc tế, tôi có ấn tượng rất mạnh khi thấy một người đàn ông nhỏ thó, ngồi khiêm tốn trên xe lăn lại có khả năng nói thông thạo ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp; lối nói chuyện rất dí dỏm và đôi mắt sáng luôn ánh lên niềm tin tưởng. Và khi biết anh chàng bình dị, hay cười này là chủ doanh nghiệp thành đạt, là biên tập viên của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế… thì tôi hoàn toàn bị chinh phục. Anh là Nguyễn Trung - “Giám đốc xe lăn”.

  • Đời bon theo bánh xe lăn

Mướt mồ hôi đánh vật với những lối đi ngoắt ngoéo và những cầu thang tối thui, tôi mới tìm được nhà ông giám đốc thành đạt nằm khuất nẻo trong KTT Kim Liên, Hà Nội. Nguyễn Trung đang dán mắt vào màn hình vi tính để thiết kế mẫu xe lăn mới.

Vừa rê chuột máy tính khoe tôi những kiểu dáng xe lăn độc đáo và đẹp mắt của mình, Trung hào hứng kể rằng anh vừa được học lớp tập huấn bảo dưỡng, thiết kế và sản xuất xe lăn ở Bangkok (Thái Lan) theo chương trình của tổ chức ASAHI SHIMUBUN tài trợ cho dự án “Người đi xe lăn sản xuất xe lăn”. Anh bảo đây là một dự án rất hay, xuất phát từ ý tưởng của chính người khuyết tật có thể tự làm xe lăn cho mình và cho người đồng tật…

Hạnh phúc không tật nguyền ảnh 1
Nguyễn Trung (thứ hai, từ trái qua) chia sẻ đam mê nhiếp ảnh với các bạn trẻ.

Tính ưa mày mò, khám phá nên chuyện Trung bỏ tiền triệu mua mấy chiếc xe lăn mới tinh về nhà rồi kỳ cạch… phá, cũng không làm người trong nhà ngạc nhiên cho lắm. Tại cái phòng nghiên cứu ý tưởng kiêm xưởng sáng chế nằm bên cửa sổ tràn đầy nắng, ngày ngày anh miệt mài mổ những chiếc xe lăn, thẩm các bộ phận, đo đạc các tỷ lệ để tìm ra điểm chưa hợp lý của chúng mà tìm cách khắc phục.

Phá đến chiếc thứ 10 là đủ mặt anh hào của thị trường xe lăn Việt Nam, thu thập cả đống lỗi của các nhà sản xuất, anh nhặt ưu, bài nhược của thiên hạ mà xây lối đi riêng.

Dốc hết vốn liếng ky cóp được từ những đồng lương và khoản thu nhập ít ỏi từ dịch sách, Trung thuê người khuân về cả đống nguyên vật liệu: nào máy móc, vòng bi, bánh răng, nào sắt, nhựa, nhôm, inoc… quyết ăn thua đủ với xe lăn. Để giảm chi phí, Trung lê la đến các xưởng gò hàn, uốn, mài, khoan, tiện... xin học nghề.

Khởi nghiệp vào năm 1996. Khi ấy, vật liệu dành cho quá trình sản xuất xe lăn ở nước ta còn rất khan hiếm, vậy là Trung quyết định lấy các bộ phận của xe đạp để thay thế. Khó khăn nhất là công đoạn cải tiến chiếc may-ơ xe đạp cho phù hợp để lắp vào xe lăn. Làm. Thử. Rồi phá. Cái hành trình ấy lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần và không một giây phút nào làm Trung thôi vò đầu bứt trán.

Hai tháng trời bền bỉ, vừa nghiên cứu vừa làm, đôi bàn tay thư sinh của anh bỗng trở nên thô ráp bởi những vết bỏng của muội hàn, những cú phản đòn của đe, búa… Rồi chiếc xe cũng nên dạng nên hình. Trung ngồi lên, guồng những vòng tay quay đôi bánh cho đứa con tinh thần chạy khắp nhà. Lệ mừng lã chã.

Khi gửi mẫu đi kiểm định, các chuyên gia vui mừng thông báo sản phẩm của Trung đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn những người đồng tật khi được mời thử xe, đều nhận rõ rằng xe của anh thiết kế gọn nhẹ hơn, kích thước ghế ngồi vừa vặn, thành vịn hai bên trang nhã mà thuận tiện cho việc lên xuống… Ấy thế mà khách hàng lại lắc đầu nguầy nguậy khi Trung mang hàng đến chào. Có người không dám ngồi thử vào xe của anh.

Có người còn miệt thị khi phán rằng: “Anh đi còn chưa vững nói gì đến làm xe”. “Buồn tủi đến quặn thắt nhưng nản thì không. Mình chứng minh chất lượng sản phẩm bằng cách, dù rất tiếc thời gian nhưng mỗi ngày đều bỏ ít nhất 4 tiếng đồng hồ để guồng xe nhong nhong khắp phố phường” - Trung nhớ lại. Hai năm trời, chiếc xe lăn lạ mắt ấy không những chẳng xuống mã mà còn vẫn chạy bon bon và tiện dụng.

Bắt đầu đã có khách hàng tìm đến.

Anh mở hẳn một xưởng sản xuất xe lăn ngay tại nhà. Anh thu nhận và tận tình chỉ cho những người đồng cảnh ngộ cùng tìm niềm vui trong công việc và cuộc sống. Không chỉ sản xuất xe lăn, Trung còn mày mò làm cả xe ba bánh chạy điện và chạy bằng máy nổ. Hàng làm không kịp bán, lợi nhuận hàng năm đã là tiền tỷ. Nhiều tổ chức nước ngoài đã tìm đến tận xưởng của anh để đặt xe.

Biết được hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của anh, họ đã mời anh tham gia nhiều diễn đàn, sinh hoạt cộng đồng của người khuyết tật ở Mỹ, Thái Lan, Singapore…

  • Không bao giờ tuyệt vọng

Kể về dịch sốt bại liệt khủng khiếp diễn ra năm 1951, mà hậu quả là đôi chân của anh không còn bình thường được nữa, giọng Trung bị ngắt bởi những tiếng nấc nghẹn. Nhưng rồi anh lại trở về vẹn nguyên với niềm lạc quan đáng quý: “May mình vẫn còn khối óc minh mẫn và đôi bàn tay rắn rỏi”.

Rời quê Quảng Nam, Trung theo bố mẹ tập kết ra Hà Nội từ nhỏ. Ngày đó, gia đình anh nghèo lắm, để làm một chiếc xe lăn cho con có thể đi lại được, cha anh đã phải đi nhặt từng thanh sắt, mảnh gỗ, cái đinh, rồi đêm đêm cặm cụi ngồi lắp, ghép. 8 tuổi, cha đưa anh đến trường bằng chiếc xe lăn tự chế ấy.

Nhờ sự dạy bảo tận tình của thầy cô, tình thương của bạn bè, Trung đã dần quên đi những mặc cảm, phấn đấu vươn lên, luôn là học sinh đứng đầu lớp. Cho đến giờ Nguyễn Trung vẫn không thể nào quên được lời truyền lửa của thầy giáo dạy Sử: “Con ạ! Rất nhiều người lành lặn chân tay nhưng thật ra đang tàn phế! Đầu óc của họ không đi xa hơn được một mái nhà, một việc làm. Đôi chân không còn nhưng con sẽ không bao giờ tàn phế nếu biết dạy khối óc làm việc…”.

Không chạy nhảy được như các bạn, nên ngoài giờ trên lớp, Trung dành thời gian đọc sách, khám phá điều mới lạ khắp các phương trời qua những trang sách. Ngày ấy, sách khan hiếm vô cùng, đọc hết tủ sách của nhà, cha anh lại đi mượn bạn bè để anh đọc, rồi nhìn những cuốn sách, tờ báo nước ngoài với bao điều tò mò lẫn khát khao được chiếm lĩnh nó. Tốt nghiệp lớp 10 Trung quyết định thi ngay vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Ra trường với tấm bằng loại giỏi, thông thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga là niềm mơ ước của bất cứ sinh viên nào. Ấy thế mà mọi chuyện trở nên vô nghĩa đối với Trung bởi nhà trường không phân công công tác vì anh là người khuyết tật. Nén hờn tủi, anh nhúc nhắc tự cầm tấm bằng đi xin việc, nhưng đến đâu anh cũng chỉ nhận được những lời từ chối khéo hay những cái lắc đầu an ủi.

Không tìm được nơi làm việc không đồng nghĩa với thất nghiệp. Trung trở về bầu bạn cùng sách. Bằng vốn kiến thức rộng và trình độ ngoại ngữ thông thạo, Trung lao vào dịch sách. Cuộc sống và mơ ước (Osepkov), Bạn hay thù (Bella Dijur)… và hàng chục đầu sách về khoa học phổ thông lần lượt ra mắt độc giả qua tài chuyển ngữ của Trung.

Ngày đó, cán bộ, nhân viên NXB Thanh Niên, NXB Kim Đồng… quá quen thuộc với một chàng trai khuyết tật có khuôn mặt sáng láng và nụ cười mê hoặc, tuần nào lăn xe cũng đến đưa xấp bản thảo còn thơm mùi mực, đã được dịch xong và xử lý cú pháp gọn gàng.

Khoản nhuận bút đầu tiên anh nhận được là 275 đồng của tiểu thuyết Cuộc sống và mơ ước (Osepkov). Cặm cụi dịch trong suốt hơn 1 tháng trời, cầm đồng tiền bằng chính sức lao động của mình, Trung rớt nước mắt; nhủ lòng phải cống hiến nhiều hơn nữa. “Đời người chỉ sống có một lần…” - Trung lại nghe câu nói của Paven Coocsaghin (Thép đã tôi thế đấy - Nicôlai Ôxtrovxki) ấy ngân lên trong trái tim đầy nhiệt huyết.

Năm 1979, qua giới thiệu của một người quen, anh được nhận vào làm việc tại Học viện Quan hệ quốc tế. Khởi đầu chỉ làm công tác thông tin thư mục, càng ngày Trung càng chứng tỏ được tài năng và phẩm chất của mình, xứng đáng trở thành chuyên viên về lý luận quan hệ quốc tế. Không ngừng học tập và phấn đấu, đấy là tâm niệm của Trung.

Nhớ có lần, cơ quan mới được trang bị một chiếc máy tính nên ai cũng muốn được một lần chạm tay vào bàn phím. Anh là người đầu tiên đăng ký học. Biết vậy, có kẻ xấu bụng đốp một câu cay đắng: “Cậu tật nguyền thì học làm gì”. Tức quá, Trung bỏ tiền ra ngoài học để rồi trở thành người giỏi vi tính của cơ quan.

Trung bảo số anh được quý nhân phù trợ nên đều lần lượt vượt qua tất thảy hiểm nguy. Tôi thì cho rằng điều ấy có được chính là nhờ ý chí cùng nghị lực phi thường của anh chàng bình dị và hiền lành này. 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục