Quả bom Tài liệu Panama phát nổ thực sự gây chấn động dư luận thế giới trong những ngày qua. Câu chuyện về 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Panama Mossack Fonseca bắt đầu khoảng 1 năm trước, thời điểm Bastian Obermayer, phóng viên của tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung, nhận được tin nhắn từ một người lạ: “Đây là John Doe (tên gọi chung để chỉ một người đàn ông không muốn lộ danh tính). Anh có hứng thú với thông tin này không, tôi sẵn sàng chia sẻ”. Sau khi Obermayer bày tỏ sự quan tâm, nguồn tin nặc danh trên đã chuyển cho anh này tài liệu về Mossack Fonseca cùng với một lời nhắn: “Tôi đang mạo hiểm tính mạng mình, vì vậy, chúng ta chỉ nói chuyện qua mạng. Sẽ không có bất cứ một cuộc gặp nào cả”. “John Doe” cho hay Mossack Fonseca đang thực sự đe dọa thế giới khi tìm các che giấu số tiền trốn thuế cho giới nhà giàu.
11,5 triệu tài liệu hay 2,6 terabyte dữ liệu được số hóa bao gồm thư điện tử, file pdf, hình ảnh về quá trình giúp các chính trị gia và người thân của họ, giới nghệ sĩ, vận động viên thể thao... bị tình nghi trốn thuế, rửa tiền trong suốt 40 năm qua của Công ty Mossack Fonseca. Nhận thấy việc xử lý núi thông tin khổng lồ này là nhiệm vụ bất khả thi, Süddeutsche Zeitung đã gửi cho Nghiệp đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ ở tại Washington (Mỹ). ICIJ đã từng được biết đến với rất nhiều bài viết điều tra gai góc, trong đó nổi bật là Evicted and abandoned: The World Bank’s Broken Promise to the Poor (tạm dịch Bị đuổi và bỏ rơi: Ngân hàng Thế giới thất hứa với người nghèo) hay Offshore Leaks (Rò rỉ từ hải ngoại - nói về các thiên đường trốn thuế).
Mike Hudson, một biên tập viên cao cấp của ICIJ cho hay, ngay khi tiếp cận được tài liệu từ Süddeutsche Zeitung chia sẻ, ICIJ đã nhận định sẽ phải mất rất nhiều thời gian để điều tra “giải mã” khối tài liệu khổng lồ. Tổ chức này bắt đầu lựa chọn các đối tác, ưu tiên các tập đoàn truyền thông có năng lực như BBC, Guardian, Fusion... mà ICIJ tin tưởng để hợp tác. Khoảng 400 nhà báo của hơn 100 cơ quan thông tấn từ hơn 80 quốc gia với 25 ngôn ngữ đã bí mật làm việc cùng nhau. Họ cùng nghiên cứu các tài liệu, thảo luận qua những diễn đàn được mã hóa bảo mật mà theo so sánh của Hudson là giống “một nhóm riêng dành cho các nhà báo trên Facebook”. Việc cùng nhau làm việc đã giúp việc khai thác, đào sâu thông tin rất hiệu quả.
Theo ICIJ, điều thực sự đáng lưu ý trong nỗ lực hợp tác quốc tế này đó là sự nhiệt tình tham gia, không tính toán của các cơ quan truyền thông trên thế giới. Họ chia sẻ tất cả những đoạn ghi âm, ghi hình phỏng vấn, những nguồn tin cho việc điều tra Tài liệu Panama. Rồi khi ICIJ cho biết cuộc điều tra sẽ phải kéo dài, sẽ gặp nhiều khó khăn như chi phí thì tất cả các cơ quan truyền thông đều cam kết đảm bảo cho quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ. Hay như các đối tác của ICIJ ở Mỹ là McClatchy, Miami Herald, Fusion thường không mặn mà với việc hợp tác nhưng trong vụ Tài liệu Panama, các hãng tin này đều rất nhiệt tình.
Hudson cho hay ICIJ không phải là “ông chủ” mà chỉ đóng vai trò gắn kết mọi người, để mọi người hiểu, biết việc của nhau, từ đó dễ dàng thực hiện công việc của mình. Theo Hudson, thành quả của Tài liệu Panama là sự kết hợp của 2 yếu tố: sức mạnh của Internet và sức mạnh của sự hợp tác giữa các nhà báo.
ĐỖ CAO