“…Đi chợ thì hay ăn quà/ Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…”. Bài ca dao cổ rất dài nói về thói xấu “đáng yêu” của phụ nữ Việt có một câu như thế. Kể cũng hơi oan. Người Việt trọng nam đã đành nhưng đánh tráo ham muốn là điều không nên.
Ăn vặt không phải thói quen độc quyền của chị em. Nó phổ biến trong mọi người, bất kể đàn ông, phụ nữ, già trẻ, lớn bé. Đàn ông không cắn hạt hướng dương khi ngồi quán cà phê thì lại dùng thì giờ ấy để châm một điếu thuốc lá. Cổ ngữ Việt ít khi gọi là “hút thuốc”, người ta nói “ăn một điếu thuốc”. Quà vặt đàn ông vừa tốn nhiều tiền hơn, chẳng bổ béo gì và còn có hại.
Các món quà vặt ở cả thành thị và nông thôn có tính địa phương tiện gì bán nấy. Không bao giờ quá nhiều và cũng chẳng bao giờ thiếu. Chợ quê ngày trước có dãy hàng quà vặt họp riêng một chỗ. Bánh đúc, bánh đa, chè lam, kẹo dồi, ô mai trám. Quả khế, quả sim, quả nhót, bắp luộc, đậu phộng luộc theo mùa. Có những món quà trông rất sợ nhưng các mợ vẫn chén ngon lành. Đó là món tiết sống đông đặc bày trên mẹt. Các bà mua và ngồi bẻ ngay tại chỗ ăn như ăn trầu. Đàn ông sẵn sàng nhặt bìa đậu nướng trên chiếc mẹt chi chít ruồi bẻ ra uống rượu trực tiếp không cần thông qua khâu chế biến.
Nhiều thứ quà vặt ở quê không ai bán cả. Muốn ăn phải tự làm lấy. Đó là bỏng nếp, bắp rang, khoai nướng. Trẻ con nhí nhách suốt trong những ngày mùa. Một nắm châu chấu hoặc mươi con sâu khoai “đông tây nam bắc” rang muối lá chanh là thứ dễ tìm thấy trong túi áo bọn trẻ nông thôn đến trường.
Quà vặt cho trẻ. Ảnh: C.T.
Thành phố phong phú hơn về chủng loại quà vặt. Và người ta không chỉ bán chúng ở chợ. Cổng trường học nào cũng là một cái chợ quà vặt hết sức rôm rả. Bạn gái đứa nào có một hào mua nhót thì đủ cho cả lớp mài trắng hai ống quần. Trẻ em trai cũng những thứ ấy còn có thêm dầu cháo quẩy, bánh gối tương ớt cay sè. Người bán bánh gối luôn là đàn ông nói năng văng mạng. Họ luôn rao váng cổng trường “xóc lọ đê…ê…”. Kèm tiếng rao là tiếng kéo bấm tanh tách đục thủng một lỗ chữ V trên chiếc bánh gối nhân su hào xào mỡ lợn. Tiếp đến tay năm tay mười đưa những miệng chai đựng nước dấm đường tỏi ớt cắm vào lỗ bánh thủng xóc liên hồi. Động tác thì xem ra rất hào phóng nhưng chẳng được bao nhiêu giọt. Lũ trẻ thường xuyên phải xin thêm.
Đám thanh niên lúc này thường ăn quà vặt ở rạp chiếu phim và các sân khấu biểu diễn ca nhạc ngoài trời. Món ăn nghèo nàn quanh đi quẩn lại chỉ có bắp rang bơ, đậu phộng rang húng lìu, hạt dẻ, hạt bí. Hết buổi chiếu phim, nhân viên quét rạp thu được hơn một bao tải các loại vỏ hạt. Sang trọng nhất cũng đến nộm thịt bò khô xốp tơi đu đủ xanh điểm xuyết vài mảnh thịt bò mỏng như que đóm diêm rắc khéo trên đĩa. Lúc này, người Hà Nội không còn gọi những bún, phở, xôi, cháo là quà vặt nữa rồi. Nó đã biến thành món ăn no vào bữa chính.
Giờ thì hàng quà vặt ở cả nông thôn và thành phố đã có nhiều đổi khác. Những thứ phiền nhiễu nấu, nướng, chan, múc đã dần chui vào nhà hàng để trở thành món ăn chính. Không bao giờ còn thấy lại ông bán bánh gối dạo có tiếng rao váng trời hay ông bán kẹo kéo ngả chiếc bàn gấp ra vỉa hè dạng chân hì hục kéo cục kẹo trắng ngà.
Cổng trường, cổng rạp tuyệt đối cấm bán hàng rong. Các bậc phụ huynh thấm nhuần những cảnh báo độc hại của thực phẩm cũng không bao giờ còn mua quà cho lũ trẻ ở cổng trường nữa. Quà vặt của trẻ con bây giờ phải mua trong những cửa hiệu tạp hóa có địa chỉ hẳn hoi. Và cũng chỉ là những món quà chế biến sẵn đóng gói công nghiệp. Khoai tây rán, bim bim, kem gói, bánh kẹo, hoa quả khô. Nhiều đứa trẻ học đến lớp năm ở phố chưa từng trông thấy quả nhót, quả sim bao giờ.
Toàn bộ niềm say mê của lũ trẻ không còn nằm ở món ăn mà phụ huynh chúng mua nữa. Nó nằm ở món quà nhà sản xuất kín đáo giấu trong gói phải mở ra mới biết. Khi thì quả bóng, lúc con quay, ảnh ngôi sao bóng đá và “siêu nhân” nhựa. Cũng có lúc là xổ số trúng thưởng một món đồ chơi lớn hơn. Nhiều bậc phụ huynh bây giờ đâm ra thành người ăn quà vặt chỉ vì trẻ con sau khi mở gói lấy được đồ chơi là chúng cũng không ăn món ấy nữa.
Thanh niên độ tuổi kiếm tìm đôi lứa bây giờ lại càng không ăn quà vặt. Họ tìm đến các nhà hàng. Có khi cũng chỉ bán bánh gối và quẩy giòn mà thôi. Giờ mà mua một gói hạt bí tặng bạn gái trước khi vào rạp xem phim thì khó mà mong còn có lần thứ hai sóng đôi như thế!
ĐỖ PHẤN