“Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác” - Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Hôm nay 7-5, tại Bến Nhà Rồng TPHCM, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Báo SGGP tổ chức lễ xuất quân hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” - mở đầu chuỗi hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước.
“Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác” - Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Hôm nay 7-5, tại Bến Nhà Rồng TPHCM, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Báo SGGP tổ chức lễ xuất quân hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” - mở đầu chuỗi hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước. Về sự kiện này, Thầy thuốc nhân dân, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết:

Với tư cách là người làm công tác quản lý về y tế và trên hết là một thầy thuốc, tôi cho rằng đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là khi chương trình được thực hiện vào đúng dịp cả nước đang hướng về những ngày lễ trọng đại của dân tộc: Kỷ niệm 121 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hưởng ứng Năm Thanh niên, bầu cử Quốc hội khóa XIII... Đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai. Chương trình càng có ý nghĩa khi đã huy động được lực lượng thầy thuốc trẻ - lực lượng thể hiện sự năng động, xung kích, sáng tạo và hướng đến đối tượng là người nghèo, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

Ngoài ra, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình đều hết sức cụ thể, thiết thực: Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, phát hiện bệnh ung thư sớm, tặng quà cho khoảng 55.000 dân nghèo tại 63 tỉnh, TP trong cả nước; tập huấn các phương pháp sơ cấp cứu, tư vấn dinh dưỡng cho 2.500 giáo viên, phụ huynh học sinh, mổ mắt miễn phí cho 500 người già, tặng trang thiết bị y tế cho các trạm y tế khó khăn tại tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, bộ đội Trường Sa...

Đây là chương trình xã hội từ thiện về y tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tôi hoan nghênh Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức chương trình này. Riêng Báo SGGP - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TPHCM - đã rất năng động trong việc phối hợp tổ chức, tuyên truyền cho chương trình, góp phần cùng TPHCM và cả nước thực hiện các mục tiêu về an sinh, xã hội.

° PV: Dưới góc độ là nhà lãnh đạo, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế, theo bà làm thế nào để trong quá trình thực hiện chương trình đạt được hiệu quả cao nhất?

° Thứ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Kế hoạch, chương trình sẽ khám chữa bệnh, tặng quà, phát thuốc miễn phí cho người dân của 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đây là một điều đáng quý. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chương trình có sự tập trung hơn ở 61 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo trên 50% (theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo) thì ý nghĩa đạt được sẽ cao hơn. Bởi vì đây là những huyện chủ yếu ở vùng núi, địa hình chia cắt, phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như rất ít có điều kiện hưởng các chăm sóc về y tế.

° Sắp tới, để các chương trình từ thiện xã hội, đặc biệt là chương trình liên quan đến y tế do các cơ quan, tổ chức, đoàn thể thực hiện đi đúng hướng cần tập trung vào những nội dung gì?

° Hiện nay, vấn đề mà ngành y tế cả nước hết sức quan tâm là làm sao thực hiện được bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Nhà nước đã có mức hỗ trợ mua BHYT cho đối tượng người nghèo, cận nghèo, đối tượng học sinh, sinh viên. Dù mức hỗ trợ lên đến 30% - 95% nhưng tỷ lệ số người mua BHYT thuộc các đối tượng này, đặc biệt là đối tượng cận nghèo còn rất thấp, chỉ đạt khoảng mười mấy phần trăm. Trong khi đó, theo thời giá thì một cuộc phẫu thuật đơn giản như mổ ruột thừa cũng đã mất cả triệu đồng. Người cận nghèo chỉ cần đau bệnh một trận là trở thành người nghèo. Nếu có thể, các chương trình từ thiện xã hội nên hướng sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp vào việc mua, tặng thẻ BHYT cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên nghèo...

Đây cũng là cách giúp Việt Nam tiến nhanh trên lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; tạo nguồn tài chính ổn định để chăm sóc sức khỏe cho toàn cộng đồng. Bộ Y tế rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, một vấn đề đang được quan tâm là nguồn nhân lực cho y tế. Bộ Y tế đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực ngành y. Tuy nhiên, việc phân bố không đồng đều nguồn nhân lực, việc các y bác sĩ tập trung quá nhiều ở các TP lớn cũng khiến chất lượng khám chữa bệnh trong cả nước chưa được như mong muốn. Tôi rất mong Hội Thầy thuốc trẻ, các cơ quan y tế, các địa phương đẩy mạnh cuộc vận động thầy thuốc trẻ tình nguyện về phục vụ tại địa bàn vùng sâu, vùng xa với các chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương trước thời hạn... Tôi cho rằng đây mới là giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng

MAI HƯƠNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục