Năm 2013, Việt Nam phải bỏ ra 500 triệu USD để nhập khẩu hơn 8.000 tấn hạt giống các loại để cung ứng cho 700.000ha rau cả nước. Một con số đầy hấp dẫn đối với những doanh nghiệp (DN) sản xuất giống. Nhưng không phải DN nào cũng có thể tham gia do yêu cầu về chất lượng rất cao. Vì vậy, dù đây là thị trường hấp dẫn nhưng từ lâu Việt Nam là “sân nhà” của các tập đoàn như Monsanto, Syngenta, Takii, Sakata, East West…
Bỏ ngỏ thị trường
80% thị phần hạt giống rau tại Việt Nam là từ các công ty nước ngoài cung cấp. Các công ty trong nước chiếm chưa đến 10%, phần còn lại do người nông dân tự giữ giống. Nhưng đó mới chỉ là hạt giống rau, trong khi sản xuất nông nghiệp nước ta còn cần nhiều giống cây trồng khác, như 70% giống lúa lai cho các tỉnh phía Bắc phải nhập, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Riêng giống hoa, nhất là các giống hoa nhiệt đới như lan Mokara, Dendrobium, Catleya, hay lan xứ lạnh Hồ Điệp… không chỉ nhập khẩu giống mà còn nhập cả sản phẩm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và trong nước chưa đáp ứng kịp.
Chỉ riêng TPHCM, trước đây không chỉ nhập giống mới mà còn nhập khẩu lan cắt cành Mokara, Dendrobium từ Thái Lan lên đến cả trăm ngàn cành/năm. Gần đây, lượng nhập này có giảm do diện tích trồng lan cắt cành ở TPHCM và các tỉnh xung quanh tăng lên, nhưng vẫn còn phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu giống lan mới. Là đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng Việt Nam mới chỉ mạnh về số lượng, đáng nói hơn, chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều giống nông nghiệp.
Hơn 10 năm trước, TPHCM đã xác định việc sản xuất giống nông nghiệp là hướng phát triển chính với chương trình trọng điểm về giống, cây, con trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng suy giảm. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao thu nhập, người nông dân phải chuyển đổi theo hướng cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; trong đó, sản xuất và cung ứng cây, con giống được đặc biệt quan tâm.
Nhiều chủ trương, chính sách đã được TP ban hành và cập nhật cho phù hợp. TP cũng đầu tư cơ sở hạ tầng làm nền tảng. Đó là việc xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 80ha tại huyện Củ Chi và đang mở rộng thêm nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao khác.
TP cũng đầu tư và đưa vào hoạt động từng phần Trung tâm Công nghệ sinh học khoảng 20ha tại quận 12, vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Là nơi tập trung nhiều viện, trường đại học nên số lượng DN sản xuất giống tăng lên đáng kể. Trước năm 2000, các DN sản xuất kinh doanh giống ở TPHCM, chủ yếu là DN nhà nước (chiếm 85%), nhưng đến nay số lượng các cơ sở, công ty sản xuất kinh doanh giống cây trồng đã gia tăng đáng kể, trong đó số doanh nghiệp dân doanh chiếm trên 90%.
Lợi thế đi sau
Sau hơn 10 năm triển khai, giờ đây TPHCM đã và đang cung cấp nhiều con giống như bò sữa (khoảng 23.000 con/năm), heo (gần 1 triệu con/năm), gà, vịt, cá sấu cho các tỉnh xung quanh và cả nước. TP cũng là nơi cung cấp hạt giống các loại như giống lúa lai, khổ qua, bầu, bí, dưa… Hiện nay đã có những DN trong nước bắt đầu lấn dần vào lĩnh vực này khi mà trước đó chủ yếu do các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài chiếm lĩnh.
Mới đây, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC), DN hàng đầu cả nước về sản xuất, cung ứng các giống bắp lai, lúa lai, các giống rau ăn quả và củ, đã thành lập Trung tâm Giống rau hoa (CVF) để tham gia thị trường này. Điều đó cho thấy sự tự tin của DN trong nước cũng như đã đến giai đoạn phải bước vào thị phần hấp dẫn này. Sau khi mua lại cơ sở của một công ty hạt giống nước ngoài tại ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi với diện tích 25ha, SSC đặt trụ sở CVF tại đây cho chiến lược và mục tiêu mới là mở hướng sang việc nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các giống rau, hoa.
Là người Việt du học và định cư lâu năm ở nước ngoài, từng là chuyên gia nông nghiệp của Chính phủ Úc, Tiến sĩ Trần Quốc Vọng, Giám đốc CVF cho biết, tại đây sẽ triển khai theo mô hình chuỗi giá trị ngành hàng, định hướng thị trường và lấy chất lượng làm trọng tâm, bằng cách đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua công nghệ sinh học và canh tác tiên tiến để có sản phẩm mới mang hàm lượng chất xám cao. Có thể nói, đây là đơn vị biết sử dụng lợi thế đi sau, giúp tăng nội lực để DN Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Vì vậy, hạt giống mới mà CVF sản xuất và kinh doanh có khả năng cạnh tranh cao, mang lại những tính năng như thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; năng suất cao, chất lượng được cải thiện.
Theo Tiến sĩ Trần Quốc Vọng, Nhà nước cần tạo điều kiện để DN đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ; mua bản quyền trí tuệ; xây dựng và thực hiện những mô hình nông nghiệp hiện đại để sử dụng được lợi thế nguồn nhân lực nhiều và trẻ ở nông thôn. Ngược lại, DN nông nghiệp cũng phải có đủ điều kiện về nhân sự và cơ sở hạ tầng để biến ý tưởng thành việc làm cụ thể.
Có như vậy mới hội nhập và tiến sâu vào thị trường vừa là lợi thế sân nhà, vừa là nơi diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thị trường chung Asean mở ra cho Việt Nam vào năm 2015. Sự đột phá của SSC có thể nói là động lực để nhiều DN khác tự tin cùng vào cuộc.
CÔNG PHIÊN