Trong những năm gần đây, tại các quận ven TPHCM xuất hiện nhiều người kiếm sống bằng nghề bán kẹo kéo, kẹo cao su với phương thức dùng loa công suất rất lớn để hát vào buổi tối, có khi còn múa nhằm gây sự chú ý, thậm chí cố tình “tra tấn” bằng âm thanh để người ta phải mua thì họ mới đi nơi khác. Nhiều bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than phiền về việc này.
Đêm nào cũng bị “tra tấn”
Việc những người bán kẹo mở loa công suất cực lớn để hát hò ngay ngoài đường đang làm người dân ở các khu dân cư rất khốn khổ, phiền toái, học sinh không thể học bài, mọi người phải khốn đốn vì âm thanh chát chúa chĩa thẳng vào nhà, với những giọng nhừa nhựa hát những bài nhạc sến, nhạc chế nhảm nhí. Việc kiếm sống bằng phương thức này còn gây cản trở giao thông, làm mất an ninh trật tự trên đường phố và khu dân cư. Thế nhưng chính quyền và các ngành chức năng ở các địa phương không quan tâm ngăn chặn, xử phạt hay nhắc nhở. Ở khắp nơi, ngoài lộ lớn, trong hẻm nhỏ, khu dân cư, người dân đang phải kêu trời vì kiểu bán kẹo gây rối thế này. Đêm 6-4, khi đã 23 giờ 35, đã gần nửa đêm nhưng người dân ở các tuyến đường 715 Tạ Quang Bửu, 783 Tạ Quang Bửu, 198 Cao Lỗ, 204 Cao Lỗ (khu dân cư Đồng Diều, phường 4, quận 8) vẫn không sao ngủ được, vì tiếng nhạc, tiếng hát ầm ĩ, náo động từ những chiếc loa khủng đặt trên những xe máy của những người bán kẹo.
Trên đường 204 Cao Lỗ, 2 quán nhậu Phố Ốc và Dê Núi nằm cách nhau khoảng 30m, nhưng xuất hiện đến 4 xe máy của những người bán kẹo, trên mỗi xe có 2 thùng loa cỡ lớn đang phát nhạc ầm ầm. Để tạo sự chú ý với thực khách, những người bán kẹo thi nhau mở loa hết công suất. Tiếng nhạc xập xình, cộng với tiếng hát gào qua micro vang ra thật to, thật xa, khiến cư dân trong khu vực không thể ngủ yên. Không chịu nổi tiếng ồn đinh tai, nhức óc hàng đêm thế này, ông Nguyễn Duy Tính (nhà ở góc đường số 6 và đường 204 Cao Lỗ) gọi vào đường dây nóng Báo SGGP, cầu cứu: “Khổ quá nhà báo ơi, xin can thiệp giúp người dân. Nhiều tháng nay, từ chạng vạng tối đến nửa đêm, các xe hát dạo bán kẹo cứ mở nhạc inh ỏi, tra tấn người dân cả khu dân cư. Người già đã khó ngủ lại càng mất ngủ luôn. Trẻ con bị giật dậy, cũng không chịu nổi, liên tục khóc ré lên vì giật mình. Chuyện cực hình này, bà con đã kêu cứu, phản ánh với chính quyền phường 4 và quận 8 nhiều lắm rồi, nhưng không hiểu sao vẫn không thấy dẹp”.
Những người bán kẹo không chỉ tự hát theo nhạc mà còn mở nhạc cho những dân nhậu ở các quán nhậu tham gia hát. Thế nên người dân chung quanh đó càng khốn đốn vì phải nghe những “ca sĩ quậy” hát gào bậy bạ, lung tung. Không chỉ hành hạ mọi người bằng âm thanh chát chúa, những người bán kẹo kiểu này còn là nguyên nhân gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Mới đây, tại quán nhậu K.G. trên đường Ba Vân (phường 14, quận Tân Bình) đã xảy một vụ ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên ngồi nhậu trong quán, khiến một người phải cấp cứu. Nguyên do là người bán kẹo cầm micro chào mời khách nhậu hát theo phương thức “mua 2 cây kẹo cao su sẽ được cầm micro hát một bài”. Có 2 thanh niên ở 2 bàn nhậu cùng đến giành micro để hát, dẫn đến lớn tiếng cãi cọ rồi đánh nhau.
Trong những người hát dạo bán kẹo, còn có cả phụ nữ, ăn mặc sexy ra giữa đường nhảy múa, trông rất phản cảm, thu hút người đi đường, khách nhậu hiếu kỳ tràn ra đường tụ tập xem, khiến giao thông ùn tắc, mất trật tự.
Nhẹ tay với hành vi gây rối trật tự
Những phiền toái và tệ hại do nạn bán kẹo hát dạo đêm bằng loa khủng là vậy, nhưng không thấy chính quyền, ngành chức năng ở các địa phương kiểm tra, xử lý. Có người bao biện rằng chẳng thà để họ kiếm sống bằng cách gây ồn còn hơn là… đi cướp giật. Chúng tôi hỏi một thanh niên đang bán kẹo bằng loa khủng trước quán Phố Ốc rằng việc nhảy múa, hò hát ầm ĩ ban đêm như vậy có bị xử phạt chưa? Anh cười, trả lời: “Chính quyền, công an đâu có rảnh đi phạt. Nếu phạt, tụi em bỏ nghề lâu rồi!”.
Nói về biện pháp dẹp nạn hát dạo gây ồn ào mất trật tự ban đêm tại khu dân cư Đồng Diều, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch UBND phường 4, quận 8, nói: “Chúng tôi cũng hiểu nỗi khổ của người dân khu dân cư Đồng Diều vì nạn bán kẹo hát dạo gây ồn ban đêm. Phường đang chỉ đạo công an phường lập chốt và bố trí lực lượng chốt trực, phát hiện có xe hát dạo mở nhạc gây ồn trong đêm sẽ tịch thu phương tiện. Việc ra đường nhảy múa, mở nhạc hát hò gây ồn về khuya là gây rối, nên sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng”. Người dân địa phương đang nóng lòng chờ đợi động thái của UBND phường 4, vì thực tế nhiều địa phương vẫn cứ “nhắm mắt làm ngơ” với những âm thanh nhức óc hàng đêm từ những “loa thùng di động”. Có nơi cho rằng do người hát dạo liên tục di chuyển nên khó có thể đo được tiếng ồn để xử phạt. Lại có nhiều nơi chối trách nhiệm, cho rằng thẩm quyền phạt hành vi gây ồn chưa được pháp luật quy định cụ thể, do vậy chỉ có thể yêu cầu các chủ quán nhậu không cho các xe hát dạo hoạt động trước quán.
Thực ra đó chỉ là bao biện, theo Điều 8 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Điều 12 Nghị định 117/2009NĐ-CP cũng quy định mức phạt từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tiếng ồn vượt mức quy định, tùy theo mức độ và thời gian vi phạm tiếng ồn. Luật đã có, nhưng không ai thấy mình có trách nhiệm thực thi.
TUẤN VŨ