Hạt gạo ĐBSCL “Mình trần” trong bão lũ!

Nông dân “khát” sân phơi, lò sấy lúa
Hạt gạo ĐBSCL “Mình trần” trong bão lũ!

Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học, hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam tổn thất sau thu hoạch thuộc vào loại cao nhất tại châu Á, khoảng từ 13% đến 16%. Trong khi đó ở Ấn Độ chỉ 3% - 3,5%, Bangladesh 7%, Pakistan 2% - 10%... Ba khâu gây tổn thất lớn nhất là phơi sấy, bảo quản và xay xát. Do thiếu phương tiện làm khô như sân phơi, lò sấy, kho bảo quản nghèo nàn… nên chất lượng gạo giảm 50%, nông dân làm ra hạt gạo ĐBSCL chịu nhiều thua thiệt về giá. Đây là thực trạng từ lâu vẫn chưa tìm được lời giải.

Nông dân “khát” sân phơi, lò sấy lúa

Hạt gạo ĐBSCL “Mình trần” trong bão lũ! ảnh 1

Nông dân trồng lúa Trà Vinh thiếu sân phơi.

Thiếu lò sấy, sân phơi, lại thu hoạch đúng thời điểm mưa bão, lũ lại về nên nông dân làm ra hạt lúa ĐBSCL phải tốn thêm chi phí vận chuyển, mướn sân phơi, giá lúa giảm 10% đến 15%. Như vậy, sau hơn 15 ngày thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng (các doanh nghiệp phải mua lúa với giá tối thiểu 5.000đ/kg, đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận 40%), giá lúa ở ĐBSCL nhích thêm 200 đến 300đ/kg lên mức khoảng 4.700đ đến 4.900đ/kg, nhưng nay lại tuột xuống còn 4.200đ đến 4.500đ/kg. Thương lái từ chối mua lúa để dự trữ do chất lượng lúa thấp và ẩm độ cao…

Tại Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, nông dân bán lúa với giá phổ biến 4.400đ - 4.600đ/kg. Ở vùng nông thôn sâu, thiếu sân phơi, lò sấy, giá lúa tại ruộng chỉ còn 4.200đ. Ông Lý Văn Quân, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vừa thu hoạch 5 công lúa hè thu, sản lượng hơn 100 giạ, than thở: “Thấy giá lúa nhích lên mừng rơn, nhưng do thu hoạch đúng lúc mưa bão nên thương lái đến trả chỉ 4.200đ/kg. Giá lúa thế này nông dân chỉ lấy công làm lời, chớ làm sao khá được”. “Vì sao mình không sấy lúa hay phơi khô rồi hãy bán?”, tôi hỏi. Không giấu nỗi buồn, ông Quân cho biết: “Ở đây mấy đời làm lúa, có ai có sân phơi, lò sấy gì đâu. Lúa thu hoạch xong phải bán liền để có tiền trả nợ ngân hàng, rồi tiếp tục đầu tư cho vụ sau. Vẫn  biết sấy lúa khô thì bán được giá cao hơn nhưng biết đi đâu mà sấy, cả xã kiếm một lò sấy đỏ con mắt”. Về huyện Tiểu Cần, địa phương trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Trà Vinh, nhiều bà con sau khi thu hoạch lúa hè thu liền xuống giống lúa thu đông (vụ 3), nét thất vọng lộ rõ trên khuôn mặt họ vì giá lúa đang giảm trở lại.

Lúa hè thu ở ĐBSCL hiện còn tồn đọng trong dân rất lớn. Các doanh nghiệp trong vùng lại gặp nhiều khó khăn trong mua lúa gạo do thời tiết liên tiếp mưa dầm. Hiện nông dân ở nhiều tỉnh ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3 trên 400.000ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,4 triệu tấn lúa). Và dự báo thời gian tới giá lúa vẫn đứng dưới mức 5.000đ/kg. Chỉ đạo của Thủ tướng về việc thu mua lúa gạo đảm bảo cho nông dân mức lợi nhuận 40% xem ra khó khả thi.

Nâng cao chất lượng “hạt ngọc”

Tại ĐBSCL, khi sản xuất lúa hè thu nông dân phải đối mặt khó khăn về thời tiết như mưa dầm, bão lũ, lợi nhuận không cao… là chuyện từ lâu ai cũng biết. Thế nhưng, đầu tư sân phơi, lò sấy, nâng chất “hạt ngọc” ĐBSCL để cạnh tranh với gạo Thái Lan, đồng nghĩa nâng cao đời sống nông dân trồng lúa thì chưa được các ngành, các cấp quan tâm. Trong khi đó, nông dân lại có tập quán cư trú ven sông, ven kênh và kinh tế còn khó khăn chưa có khả năng đầu tư sân phơi, lò sấy lúa.

Nhọc nhằn mới làm ra được hạt lúa nhưng nông dân phải chịu trăm thứ thua thiệt. Rõ nhất là những năm qua, khi kinh doanh lúa - gạo “ăn nên làm ra” thì không nghe doanh nghiệp, thương lái nào than về “ẩm độ”. Giờ  “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhất là khi Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa cho nông dân, thì thuật ngữ “lúa chất lượng kém, ẩm độ cao” là chiêu để doanh nghiệp, thương lái “đè” nông dân. Như trên đã nói, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa của Việt Nam khoảng từ 13% đến 16%. Đây là con số “khủng khiếp và không thể chấp nhận được”, nếu so với mức tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp chỉ đạt từ 3% đến 4%.

Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 6.500 máy sấy các loại, tương đương với khoảng 9.220 máy quy chuẩn loại SH 4,4 tấn/mẻ. Số lượng máy như vậy chỉ sấy được 31% sản lượng lúa hè thu. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo với khối lượng lớn, nếu lúa không được sấy (phơi) thì thất thoát sau thu hoạch khá lớn, chất lượng gạo giảm 50%. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hạt gạo xuất khẩu Việt Nam luôn thua thiệt về giá so với gạo Thái Lan. Để nâng cao giá trị “hạt ngọc” Việt Nam trên thị trường, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho nông dân đầu tư sân phơi, lò sấy lúa, góp phần tháo gỡ khó khăn về giá, điều mà nhiều thế hệ nông dân trồng lúa ĐBSCL đã luôn chịu thua thiệt .

Đình Cảnh

Tin cùng chuyên mục