Trong chiều sâu thăm thẳm hơn bốn ngàn năm của dải đất hình chữ S, màu vàng của biển lúa luôn khắc đậm trong tâm thức người Việt.
1. Tôi đã thấy sức mạnh Việt qua hạt gạo Việt Nam. Không chỉ bởi nó hiện diện đậm nét, hoành tráng, phong phú trên “Con đường lúa gạo” trải dài suốt 1.200m dọc đường Hùng Vương – TP Sóc Trăng; xuyên suốt khuôn viên Trung tâm Văn hóa Triển lãm hồ Nước Ngọt, trong khu triển lãm nông cụ; từ những đôi mắt trong veo của các cô cậu học sinh Trường THCS Viên An, của anh ngư dân Cảng cá Trần Đề, của những nông dân vùng sâu Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Long Phú… Không khí tưng bừng đón chào, tôn vinh hạt gạo Việt ngập tràn đường phố Sóc Trăng. ĐBSCL, vựa lúa cả nước cũng nôn nao rạo rực.
Gạo Việt Nam khoe sắc khoe hương, bừng bừng sức sống trong hàng trăm gian hàng. Gạo thơm Sóc Trăng vang danh khắp xứ, gạo Chợ Đào (Long An) nức tiếng gần xa, các loại gạo OM từng vượt biển đi xa, gạo thơm hương lài, nếp Phú Tân (An Giang) rồi cả gạo Nàng Xuân hương cốm, gạo Trân Châu, Tám Điện Biên, Bắc Hương (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc)… “Hạt ngọc” Việt, sức mạnh Việt đã làm sáng danh tên Việt Nam.
Năm 2011 là kỷ lục của kỳ tích 3 năm liên tiếp xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3,1 tỷ USD; dự báo cuối năm nay, khối lượng xuất khẩu sẽ đạt 7,5 triệu tấn, đem lại giá trị “ngất ngưởng”, hơn 3,7 tỷ USD.
Hạt gạo Việt ẩn chứa bản lĩnh Việt bởi nó không chỉ “thắng” mà còn mở ra thế và lực mới trong sự thắt ngặt, đầy chao đảo biến động của nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh “bão dồn, lũ dập” dâng đầy những cánh đồng lúa của đồng bằng phía Bắc, của khúc ruột miền Trung và lượng nước lũ đỏ ngầu đổ về sông Tiền sông Hậu, cao nhất trong gần chục năm trở lại đây tại châu thổ Cửu Long...
Trong dịp lễ, về xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), tôi cảm phục cái nheo mắt đầy tự tin của nông dân Cao Thị Gương, 60 tuổi, người Khmer. Mỗi năm bà thu về cả tỷ bạc trên 180 công đất của mình: “Mấy chục năm làm lúa chỉ có thắng ít hay nhiều, chưa năm nào tôi bị rớt cả”. Cả đời gắn với mảnh ruộng, miệt mài tích cóp mà tạo nên sản nghiệp lớn. Nhà cửa khang trang, con cháu đề huề. 6 người 5 xe gắn máy, lại vừa tậu thêm chiếc du lịch đời mới. Phải biết cách làm để thắng, phải biết chỗ ngặt để qua là bí quyết của bà. Điều đó cũng thấy rõ qua 48 gương điển hình nông dân sản xuất lúa giỏi kỳ này và trong tất cả những người nông dân Việt Nam thế hệ mới.
Ta tự hào lớn vậy là nhờ sự nhọc nhằn của người làm ra hạt gạo, nhiều khi đâu chỉ ướt sũng mồ hôi mà còn cả sinh linh, máu thịt. Khi nước ta ngẩng mặt tự hào bởi vị trí thứ 2 xuất khẩu gạo của thế giới, hạt gạo Việt có mặt trên 100 quốc gia, lớp cháu con vẫn luôn nghe văng vẳng tiếng gió bấc mưa rơi ào ào lên vai cha, vai mẹ; tiếng phảng gạt lau, chặt sậy nơi rừng sâu nước độc hòa tiếng gập ghềnh của đoàn người hành phương Nam, lang thang trên sóng nước bập bềnh... Hạt gạo Việt càng lóng lánh hơn khi người ta giật mình nhớ lại năm tháng chưa xa, mẹ còn gạt cơm trắng cho con, dằn bụng ra ruộng bằng lát sắn củ khoai...
2. Tôi đã thấy tình yêu cây lúa Việt Nam qua bao người nông dân chân đất đón xe vượt cả trăm cây số đến với ngày hội Lúa gạo Quốc gia, vuốt ve từng bông lúa hạt gạo, tần ngần cả ngày bên những giống lúa mới. Bên sườn những chiếc ghe ngo đang lao vùn vụt trên dòng Maspero, cũng hiện diện hình ảnh cây lúa. Đó là điều khác lạ, chưa từng thấy trong cách trang trí của người Khmer Nam bộ. Và qua cả sự sôi nổi, chân chất san sẻ kinh nghiệm trồng lúa, nuôi tôm, xen canh, xen vụ tại hội thi “Nông dân sản xuất lúa giỏi ĐBSCL năm 2011”...
Và cả ở sự trăn trở của nhiều “nhà” xung quanh cây lúa hạt gạo. Hội thảo “Định vị thương hiệu gạo Việt Nam – Gạo Việt Nam: Ai bán ai mua?”, “Con đường phát triển chất lượng lúa gạo Việt Nam”… hầu mong tìm ra con đường mới, ổn định hơn, giúp gạo Việt bay xa hơn. “Thương hiệu gạo Việt có thể là “Gạo thơm Việt Nam” (Viet Jasmine) hay “Gạo trắng hạt dài là siêu tốt” (Viet super long Grain)” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng gợi ý.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chiếm trên 80% thị phần xếp dỡ container xuất nhập khẩu các cảng TPHCM, gần 50% thị phần cả nước. “Chúng tôi đang khai thác cảng Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Thới (An Giang) để vận chuyển gạo và thủy sản trong khu vực. ĐBSCL đang phát triển lại có thế mạnh đường thủy, đó cũng là tiềm năng mà đơn vị đang nhắm đến” - Giám đốc tiếp thị công ty Bùi Văn Quỳ hy vọng...
Cây lúa hạt gạo, lạ thay, lại âm ỉ tạo ra mạch sống, tạo ra cả nền văn hóa đầy bản sắc ngập tràn tâm thức Việt. “Hạt ngọc” nhỏ “li ti” nhưng ẩn chứa, oằn nặng tình nhân sinh, hiện diện suốt chiều dài và sự thăng trầm dân tộc.
Hạt gạo Việt đã xuyên suốt, nối kết, tạo nên những sự kiện, con người đó. Hạt gạo Việt góp phần nâng cao sức mạnh Việt, giá trị Việt, giúp chúng ta tự tin, đĩnh đạc hơn khi bước ra biển lớn.
Vũ Thống Nhất