Hạt muối, bao giờ hết nghịch lý?

Ngay sau khi Báo SGGP có bài viết “Muối đắng Cần Giờ” phản ánh tình trạng bà con diêm dân huyện Cần Giờ (TPHCM) trúng mùa, nhưng giá muối chỉ bằng 1/3 vụ muối năm 2009, lại khó bán... chiều 4-5, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT TPHCM) đã có buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn hiện nay của bà con.
Hạt muối, bao giờ hết nghịch lý?

Ngay sau khi Báo SGGP có bài viết “Muối đắng Cần Giờ” phản ánh tình trạng bà con diêm dân huyện Cần Giờ (TPHCM) trúng mùa, nhưng giá muối chỉ bằng 1/3 vụ muối năm 2009, lại khó bán... chiều 4-5, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT TPHCM) đã có buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn hiện nay của bà con.

Muối đầy nhà dân, kho vẫn trống

Chủ nhiệm HTX muối Tiến Thành (Cần Giờ) Phan Thành Thuộc cho biết, đây là năm được mùa, ruộng muối xã viên áp dụng công nghệ phủ bạt nên không chỉ năng suất tăng gấp đôi (100-120 tấn/ha, vụ trước 60 tấn/ha), mà chất lượng được đảm bảo, tinh khiết hơn so với làm muối trên nền đất. Nhưng giá muối hiện nay chỉ ở mức 600-700 đồng/kg (năm rồi 1.600-1.800 đồng/kg.

Trong khi đó, diện tích và hộ sản xuất muối theo phương pháp truyền thống ở Cần Giờ khoảng 1.500ha và cả ngàn hộ so với 21 xã viên và 50 ha của HTX. Vì vậy, năng suất chỉ bằng 2/3 theo phương pháp phủ bạt và giá muối thấp hơn, tùy thuộc vào phân loại của thương lái, nhưng khó bán trong bối cảnh giá giảm, nên muối chất đầy nhà.

Ông Thuộc chua xót, trong lúc HTX mua hết muối của xã viên và mua thêm một phần muối bên ngoài vẫn không đủ để chế biến và tiêu thụ, nhưng lại không đủ tiền mua thêm muối còn lại của bà con. Theo quy định, HTX không được vay vượt quá vốn góp của xã viên. Vốn góp của HTX là 3 tỷ đồng nên cũng chỉ được vay bằng số tiền này, mặc dù đầu ra của HTX còn nhiều và dự án vay vốn của HTX được lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận định là rất khả thi.

Ông Thuộc cho biết, năm 2009, HTX xây dựng nhà máy chế biến muối, sắp tới, sản phẩm muối của HTX sẽ có mặt ở các siêu thị, năng suất mới ở mức 20 tấn/ngày. Hiện nay, muối của HTX đã được các công ty chế biến thực phẩm, đặc biệt những nơi dùng muối làm hạt niêm cho mì ăn liền… đặt mua dài hạn thay thế cho muối nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. Vì vậy, hiện nay, 4 nhà kho của HTX còn có thể trữ thêm 4.000 tấn muối, nhưng do không có vốn lưu động nên phải để trống trong lúc muối của bà con không tiêu thụ được.

Thu hoạch muối ở ấp Thiềng Liềng (Cần Giờ). Ảnh: Mỹ Hạnh

Thu hoạch muối ở ấp Thiềng Liềng (Cần Giờ). Ảnh: Mỹ Hạnh

Thiếu muối, giá vẫn giảm?

Ông Trần Quang Phụng, Chủ tịch Hiệp hội nghề muối phía Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tập đoàn Muối miền Nam cho biết, Hàn Quốc rất thích nhập khẩu muối Cần Giờ. Kim chi, món ăn truyền thống của Hàn Quốc nếu làm bằng muối Cần Giờ sẽ rất ngon. Vị mặn nhưng không chát như muối miền Trung, độ nước biển dịu, phù hợp để làm kim chi, ăn ngon hơn. Do vậy, Tập đoàn Muối miền Nam xây dựng thương hiệu muối Cần Giờ để xuất khẩu qua thị trường này, nhu cầu mỗi năm khoảng 50.000-60.000 tấn, nhưng mấy năm nay không đủ muối để mua và chế biến.

Khi được hỏi vì sao hiện nay bà con diêm dân Cần Giờ bán giá thấp, lại khó bán, ông Phụng cho biết, nhiều bà con làm muối chạy theo số lượng, chỉ muốn làm ra lượng muối nhiều nhất nhưng lại không chú ý đến chất lượng hạt muối. Muối lẫn với đất, nhiễm vàng không thể mua về chế biến, do giá thành đội lên cao.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Liêm, Phó Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, sẽ phối hợp với Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp tổ chức ngay hội nghị khách hàng, mời các công ty, nhà máy, cơ sở chế biến muối đến để tạo điều kiện mua muối của bà con, thông qua việc TP giải quyết vốn vay, hỗ trợ lãi suất. Tiếp tục hỗ trợ để HTX muối Tiến Thành nhanh chóng đưa muối chế biến vào hệ thống siêu thị TP và các tỉnh, qua đó tăng cường mua muối của bà con. Đồng thời, kiến nghị nhà nước hạn chế việc nhập khẩu muối.

Theo ông Phụng, muối trong nước thiếu nhưng giá lại giảm, đây là hậu quả của cách điều hành cho nhập khẩu muối vừa qua, làm giá muối giảm mạnh. Lẽ ra, khi làm chính sách, với mặt hàng thiết yếu xã hội, phải quan tâm nhiều đến người làm ra hạt muối, thay vì với người làm thương mại.

Theo Hiệp hội Nghề muối miền Nam, do còn hạn ngạch (quota) nhập khẩu muối, nên phát sinh không ít tiêu cực. Có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu muối công nghiệp về chế biến nhưng lại khai báo nhiều hơn nhu cầu thật để bán ra ngoài hưởng lợi nhờ mức thuế trong hạn ngạch chỉ 15%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 50%.

Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Muối làm nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, những doanh nghiệp kinh doanh thương mại lại được cấp quota với số lượng không nhỏ. Đây là điều bất cập phát sinh tiêu cực trên thị trường. Vì vậy nên bỏ hạn ngạch này và tính mức thuế chung là 50%. Nhà nước vừa thu được thuế vừa không làm thiệt hại đến sản xuất muối trong nước. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục