Hãy là người tiêu dùng thông minh

Những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chương trình hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”. Chương trình đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà sản xuất, kinh doanh, được toàn xã hội quan tâm.

Những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chương trình hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”. Chương trình đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà sản xuất, kinh doanh, được toàn xã hội quan tâm.

Tính đến nay, TPHCM đã phát triển được chuỗi các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) với 308 điểm bán, 50 doanh nghiệp (DN) tham gia và hàng trăm sản phẩm đã được công nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Riêng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM Saigon Co.op đăng ký phân phối 4.000 mặt hàng lương thực - TPAT đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại các điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.op Food. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình trên cả nước.

Tập đoàn Vingroup đã đầu tư 2.000 tỷ đồng đẩy mạnh sản xuất rau sạch tại các cánh đồng mẫu lớn của nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai). Toàn bộ sản phẩm rau sạch mang thương hiệu VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, Vingroup sử dụng công nghệ Israel, được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất rau siêu sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, trong khi giá bán các sản phẩm rau sạch VinEco chỉ đắt hơn từ 5% - 10% so với giá rau thông thường.

Bên cạnh đó, hàng loạt DN sản xuất và cung cấp sản phẩm như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vissan, Phạm Tôn, San Hà, Thảo Nguyên, Anh Đào, Phước An, Phú Lộc, Ngã Ba Giồng, Phong Thúy… đều đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực, phương án để tăng sản lượng, nâng khả năng cung ứng các sản phẩm an toàn lên gấp đôi, gấp ba lần khi thị trường có mức cầu lớn.

Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng công bố chuỗi TPAT, hầu hết DN đều chưa hài lòng với kết quả đạt được. Tại Saigon Co.op, doanh số chỉ tăng 15% - 20% so cùng kỳ đối với nhóm hàng nông sản, riêng nhóm gia súc, gia cẩm chỉ tăng 5% - 6%. Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, mức tăng của nhóm hàng nông sản đạt từ 15% - 20% là tốt hơn so với tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống, nhưng riêng nhóm gia súc, gia cầm lại tăng quá thấp so với kỳ vọng đặt ra là tăng 12%. Tại nhiều DN khác, do mức tăng sản lượng hàng hóa thấp nên các phương án tăng diện tích gieo trồng, tăng sản lượng đành phải gác lại!

Theo các DN, một trong những nguyên nhân khiến hàng đạt chuẩn VietGAP khó cạnh tranh là vì giá bán còn cao với sản phẩm cùng loại bán xá trên thị trường. Với nhiều người tiêu dùng, trong suy nghĩ họ vẫn cho rằng giá bán sản phẩm VietGAP đương nhiên phải cao hơn gấp đôi, gấp ba lần so với sản phẩm bán xá. Điều này chưa hoàn toàn đúng với thực tế. Theo ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, qua nhiều lần đi thực tế, khảo sát thị trường thì giá bán các loại rau củ quả VietGAP chỉ cao hơn từ 10% - 20% so với hàng thông thường. Chẳng hạn, 1kg cải bẹ xanh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã được sơ chế, đóng gói là 16.000 đồng/kg, thì hàng bán xá là từ 9.000 - 12.000 đồng/kg. Nhưng cái khó của hàng VietGAP là chưa ra được các chợ truyền thống vì tiểu thương chỉ thích hàng bán xá. Điều này cũng đồng nghĩa, hàng bán xá khi mua sỉ giá rất rẻ nên khi bán lẻ sẽ mang lại cho họ đồng lời nhiều hơn so mức lời bình quân mà hàng VietGAP mang lại chỉ dừng ở mức 10% -15%!

Để chuỗi TPAT phát triển, theo chúng tôi, mấu chốt vẫn là người bán và người mua. Bản thân tiểu thương (người bán) phải thực sự là những đại sứ, có ý thức chỉ bán những loại thực phẩm an toàn, đồng lời là người tư vấn cho khách hàng; còn người tiêu dùng (người mua) phải là người tiêu dùng thông minh, chỉ chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có sự hiểu biết nhất định về hàng hóa thì mới có thể cải thiện được kết quả.

TƯỜNG DÂN

Tin cùng chuyên mục