Cổ động viên World Cup 2006

Hãy là những hình ảnh dễ thương

Hãy là những hình ảnh dễ thương

Dù không mua được vé vào sân, khoảng 10.000 cổ động viên bóng đá từ Anh, Hà Lan và các nước khác vẫn sẽ đến Đức vào mùa hè này để cổ động cho đội bóng thân yêu của mình. Sự hiện diện của họ gây không ít lo ngại cho các nhà tổ chức World Cup 2006 và cho cả người dân nước Đức.

  • Vì một World Cup bình yên
Hãy là những hình ảnh dễ thương ảnh 1

Cổ động viên, hãy dễ thương như thế này.

Bóng ma của những vụ lộn xộn, những hành vi quá khích của các hooligan vẫn là nỗi ám ảnh ở các giải đấu bóng đá lớn như tại các kỳ World Cup, Euro… Thế nhưng, các nhóm cổ động viên đã bắt đầu lên tiếng. Theo họ, nếu có sự đối xử phù hợp với các cổ động viên phương xa hay có sự phối hợp tốt trong việc giải quyết các vấn đề giữa cảnh sát, nhà tổ chức và các nhóm cổ động viên, mọi chuyện sẽ chẳng có gì tồi tệ.

Ông Michael Gabriel, thành viên của dự án thành lập nhóm cổ động viên Đức (KOS) cho biết: “Chúng tôi tin rằng, nếu chúng tôi đón chào mọi cổ động viên như những quý khách thật sự và quan tâm đến những yêu cầu của họ, chúng tôi sẽ được bình yên. Đó không chỉ là lý thuyết. Chúng tôi đã có những kinh nghiệm tốt tại Anh năm 1996, Bồ Đào Nha năm 2004”.
 
Những rắc rối tại World Cup 1998 – giải vô địch thế giới tại châu Âu gần đây nhất – vẫn là nỗi ám ảnh. Ở đó, một cảnh sát Pháp đã bị hooligan Đức đánh cho thập tử nhất sinh. Còn người Anh cũng đã góp phần không nhỏ bằng việc quậy phá tại Marseille. Còn ở Đức mùa hè này, người ta thống kê được sẽ có khoảng 100.000 cổ động viên Anh có mặt. Một số lượng lớn cổ động viên không có vé của Pháp, Hà Lan, Ba Lan cũng sẽ lưu trú tại Đức trong vòng 1 tháng. Hiện, cảnh sát Đức vẫn đang chờ những động thái mới nhất từ các nhóm cổ động viên.

Ông Kevin Miles (Anh), người phát ngôn của Liên đoàn Cổ động viên quốc tế (FSF), phát biểu: “Tôi nghĩ việc xem bóng đá qua màn ảnh lớn ở những địa điểm công cộng có thể tiềm ẩn những nguy cơ và cần có sự theo dõi của cảnh sát”.

Với những cố gắng của KOS, FSF hay Tổ chức Cổ động viên châu Âu (Euro Support) của Hà Lan, các địa điểm lưu trú có giá cả phải chăng, các địa điểm ăn uống, giải trí và cả các điểm giải quyết những vướng mắc đều đã được thiết lập. Điều này mang lại sự thoải mái cho rất nhiều cổ động viên sang Đức xem đá bóng. Martijn Pelle, một cổ động viên Hà Lan, khẳng định: “Khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ gọi cảnh sát. Chúng tôi biết những hành động nào đó của mình sẽ ảnh hướng đến hình ảnh đất nước”.

  • Giấc mơ từ “lục địa đen”

Mỗi tháng, Arnaud Cire chỉ dành dụm được 1 phần nhỏ – khoảng 70.000 franc CFA (128 USD) – để góp vào “ngân quỹ riêng”. Đó là khoản chi phí mà anh mang theo để đến Đức cổ vũ cho đội nhà. Cire nói một cách rất hứng khởi về chuyến đi của mình: “Tôi sẽ đến Đức và sẽ trở về cùng chiến thắng của những chú voi”.

Cire biết, nếu đến Đức, anh sẽ tiêu tốn đến 2 triệu franc CFA (3.650 USD) nhưng anh quyết định cố gắng: “Đây là giải đấu lớn đầu tiên với các cầu thủ của chúng tôi và tôi phải ở đó. Nhất định như thế. Tôi sẽ xin visa”. Sẽ có một số người cho rằng Cire không bình thường nhưng chỉ có anh mới hiểu đó không phải là giấc mơ của một mình anh mà còn là giấc mơ của cả một dân tộc – bước ra sân và giành chiến thắng tại một kỳ World Cup.

Một hãng tổ chức du lịch tại Togo cho biết, có khoảng 100 cổ động viên đã đăng ký chương trình đi Đức để ủng hộ đội tuyển. Đó là con số đáng ngạc nhiên ở một nước nghèo khó như Togo. Tất nhiên, rất nhiều người không thể kham nổi chuyến đi đó nhưng họ vẫn sống trong những ngày mơ mộng và sẽ tiếp tục sống như vậy trong khoảng thời gian đội tuyển quê nhà thi đấu tại Đức vào mùa hè này.

Khi những người không hề thích bóng đá bắt đầu thích bóng đá, khi những em nhỏ bắt đầu chơi với quả bóng và hy vọng mình sẽ trở thành một Drogba, khi nội chiến liên miên bị gác bỏ qua một bên, mọi người dân “lục địa đen” đều hướng đến một giấc mơ duy nhất: bóng đá châu Phi sẽ thăng hoa tại World Cup 2006.

TIỂU PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục