Hãy nuôi tắc kè!

NGUYỄN LÂN HÙNG
Hãy nuôi tắc kè!

Việc nuôi tắc kè ở ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Cách đây khoảng 20 năm, tôi ra tận Vân Đồn (Quảng Ninh) để tìm hiểu cách nuôi của bà con ở đó. lúc ấy khó khăn lớn nhất lại là vấn đề thức ăn cho tắc kè. Họ phải đi vợt cào cào, châu chấu để cho chúng ăn. Vào ngày mưa hay vào mùa đông thì tắc kè đành phải… nhịn!

Khoảng năm 2010, có người giới thiệu, tôi tìm vào tận nhà chị Tâm ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Chỗ nuôi tắc kè của chị thật kỳ lạ. Chị dùng một bức tường phía sau nhà để làm chỗ nuôi. Bức tường được giăng lưới cước xung quanh để tắc kè không chui đi mất. Trên tường, chị treo toàn quần áo cũ kín cả mặt tường. Chỉ dùng bình bơm để phun ẩm cho chúng. Nhưng khi lật đống quần áo cũ đó ra, ta giật mình vì bên trong, tắc kè bám kín trên tường. Tôi nhớ, sau một cái quần đùi rách treo trên tường, có tới 5-6 con tắc kè hoa béo múp. Trên bức tường đó có lẽ phải có tới hàng trăm con tắc kè nấp sau đống quần áo cũ đó. Thức ăn cho tắc kè của chị Tâm là loài sâu chim. Loài sâu này không vũ hóa để biến thành bướm. Thức ăn của chúng là cám và rau xanh. Hàng ngày, chị Tâm lấy sâu chim cho tắc kè ăn. Còn nước uống thì chị đựng vào các chai nước suối đã cưa đôi để cho chúng tới uống. Cách nuôi quá đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, trông chỗ nuôi… nhếch nhác quá!

Ít năm gần đây, có một cơ sở vừa nuôi dế, vừa nuôi tắc kè rất hiệu quả. Đó là trang trại Thanh Xuân có cơ sở ở Nam Định và Hà Nội. Chủ là một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ. Người phụ nữ đó đã hoàn tất quá trình nuôi tắc kè và hướng dẫn cho rất nhiều bà con tới học cách nuôi.

Nguồn thức ăn cho tắc kè của chị chính là dế. Chúng tôi đã có dịp giới thiệu cách nuôi dế cho bà con. Nuôi chúng quá dễ!

Khu nuôi tắc kè được dựng thành một cái chuồng. Chuồng cao 2-2,2m và rộng 1,2-1,5m. Chiều dài tùy điều kiện mà có thể 3-10m. Ta nên bố trí 1 hoặc 2 mặt chuồng là tường gạch và 2 hoặc 3 mặt còn lại là lưới. Chuồng có cửa ra vào và phía trên tường được quây bằng lưới sắt có đường kính mắt lưới 0,1-0,3cm. Ta đóng các hộc gỗ làm chỗ ở cho tắc kè. Ta dùng 3 miếng gỗ có độ dài là 25cm và rộng 7cm để đóng học. Đóng chúng lại thành hình chữ U. Ta đóng hàng loạt các hộc đó, sau đó ta đóng 1 kệ cách mặt nền độ 50cm và bắc ván vào. Ta xếp các hộc lên kệ. Xếp chúng gần nhau thành một hàng. Sau đó, tiếp tục xếp hàng thứ 2 lên trên hàng thứ nhất. Và cứ như vậy, chồng thêm những hàng. Nó sẽ trông giống như một chung cư thu nhỏ mà mỗi hộc là một căn hộ. Bọn tắc kè sẽ chui vào đó. Chúng có thể cặp đôi ngay trong các “buồng” và đẻ trứng lên thành hộc. Trứng bám vào gỗ. Mỗi lần đẻ, tắc kè cái có thể cho ra 2-3 trứng. Ta thu các trứng đó ra một chỗ khác. Khoảng 3 tháng sau thì trứng sẽ nở ra tắc kè con. Ta nuôi tắc kè con riêng một chỗ, để tránh con lớn ăn con nhỏ.

Như đã nói ở trên, thức ăn của tắc kè là dế. Ta nuôi dế bằng các thùng cát tông hoặc các xô, chậu. Hàng ngày, đưa dế vào cho tắc kè ăn. Ta nuôi dế vào 1 cái ca và đưa vào giữa chuồng. Dế sẽ bò lên từ từ, lũ tắc kè sẽ vây xung quanh và đớp từng con dế một.

Trong chuồng nuôi cũng nên có một vài đĩa đựng nước để cho tắc kè uống. Nên để đĩa ở trên cao để tránh tắc kè thải phân vào đó. Điều quan trọng hơn là phải làm vệ sinh thường xuyên cho chuồng nuôi tắc kè. Nếu chuồng nuôi bị ô nhiễm thì tắc kè dễ bị nhiễm khuẩn và chết.

Ở phía Bắc, vào mùa đông ta phải lo chống rét cho tắc kè, nhưng ở phía Nam thì điều đó không cần, ta có thể nuôi chúng quanh năm.

Tắc kè là một vị thuốc quý có vị mặn, tính ôn, có tác dụng làm giảm mệt mỏi, chống suy nhược, chữa ho rất tốt. Mặt khác, nó còn có tác dụng làm tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực, chống còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ, chữa hen suyễn, đau lưng, đau khớp… Vì vậy, giá tắc kè chưa bao giờ rẻ!

Muốn hiểu thêm về cách nuôi cũng như cung cấp nguồn giống và cả tiêu thụ sản phẩm, xin bà con liên hệ trực tiếp với chị Thanh Xuân qua điện thoại: 0974.870.000. Chị ấy sẵn sàng giúp bà con.


Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp NGUYỄN LÂN HÙNG

Tin cùng chuyên mục