Hé lộ kịch bản cũ

Hôm nay 14-1, đại diện của các tổ chức công đoàn Nigeria sẽ tiếp tục thảo luận cùng Tổng thống Goodluck Jonathan nhằm khôi phục trợ cấp giá nhiên liệu. Nếu không có tiến triển, công nhân ngành dầu mỏ đe dọa tiến đến đóng cửa ngành khai thác dầu tại quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi này từ ngày 15-1.

Tổng thống Goodluck Jonathan đối mặt với yêu cầu đòi ông từ chức từ hàng chục ngàn người lao động do giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi vì không được trợ giá từ ngày 1-1 vừa qua, đẩy phần lớn trong số 160 triệu người Nigeria có mức sống dưới 2 USD/ngày càng lâm vào cảnh khó khăn. Đó là câu chuyện trợ giá. Thế nhưng đằng sau đó là câu chuyện của những tính toán chi phối dầu mỏ ở Nigeria.

Ở quốc gia Tây Phi này, 80% ngân khố quốc gia và 90% sản lượng mặt hàng xuất khẩu là từ dầu mỏ. Là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng do thiếu khả năng lọc dầu, Nigeria phải nhập khẩu hầu như toàn bộ các sản phẩm hóa dầu cần thiết để phát triển kinh tế. Do đó, nước này luôn trong tình trạng thiếu xăng dầu.

Hơn nữa, vùng châu thổ Niger đang phải hứng chịu những thảm họa môi trường liên quan đến việc khai thác dầu lửa. Hơn 70.000km2 diện tích rừng sú vẹt, kênh rạch và đầm phá gắn liền với dòng thủy triều đen do những đường ống bị rò rỉ tạo nên. Đời sống người dân không mấy sung túc một phần do nạn tham nhũng hoành hành. 8 tỷ USD trợ cấp giá nhiên liệu mỗi năm phần lớn rơi vào đường dây tham nhũng.

Vì thế, Tổng thống Goodluck Jonathan quyết định chuyển số tiền trên cho việc xóa đói giảm nghèo.

Trong bối cảnh phân biệt sắc tộc và tôn giáo đang ngày càng căng thẳng thì việc thuyết phục người dân tin quyết định trên là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Từ tháng 1-2006 đến nay, các phiến quân thuộc châu thổ Niger đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các đường ống dẫn dầu, bắt cóc nhân viên công ty dầu mỏ nước ngoài và giao tranh với quân đội chính phủ. Họ ra yêu sách đòi Chính phủ Nigeria cung cấp thêm các nguồn thu từ dầu mỏ cho khu vực miền Nam nghèo đói.

Còn nhớ, cuộc tấn công đẫm máu trong dịp Giáng sinh vừa qua tại Nigeria đã khiến 50 người thiệt mạng. Lực lượng phiến quân Boko Haram ngay sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Ngay lập tức, Mỹ và Israel lớn tiếng khẳng định sẽ giúp người dân Nigeria đòi lại công bằng. Các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức cũng góp lời chỉ trích mạnh mẽ hành động của lực lượng Boko Haram.

Năm 2010, phương Tây từng đưa Nigeria vào danh sách các quốc gia khủng bố, mảnh đất mới của phần tử Taliban. Trong chuỗi bài dự đoán tình hình kinh tế thế giới năm 2012 của tờ Economist (Anh) đã có bài viết cho rằng, nếu năm 2011 bắt đầu với phong trào “Mùa xuân Ảrập” ở các nước Bắc Phi thì năm 2012 sẽ bắt đầu với “Mùa xuân hạ Sahara” mà Nigeria là quốc gia khai màn.

Mỗi quốc gia đều có vấn đề riêng cần giải quyết. Ngoài trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 7 trên thế giới, Nigeria với 160 triệu dân cùng là đất nước khá bất ổn do mâu thuẫn tôn giáo - sắc tộc. Chính phủ Nigeria đang hết sức cố gắng để tránh một cuộc nội chiến có thể xảy ra.

Nhưng nhìn lại thái độ “sốt sắng” của phương Tây đối với đất nước này, dường như một lần nữa, chính sách năng lượng lại lộ rõ. Trong bối cảnh “vàng đen” ngày càng khan hiếm như hiện nay, mô hình lợi dụng bất ổn, chờ cơ hội thích hợp để đẩy mạnh can thiệp vì lợi ích dầu mỏ của các nước lớn không còn xa lạ với nhiều người. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục