Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ), Đặc phái viên của tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov nhấn mạnh, tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc khiến chủ nghĩa cực đoan, tình trạng dân thường thương vong và mất nhà cửa tiếp tục hoành hành tại Trung Đông và gây ra những hậu quả nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực.
Người dân dải Gaza mất nhà cửa vì xung đột Israel - Palestine
Liên đới trách nhiệm
Đặc phái viên của LHQ đã chỉ trích cái gọi là Luật Hợp pháp hóa mà Quốc hội Israel vừa thông qua là đi ngược lại luật pháp quốc tế và vi hiến theo như chính kết luận của Trưởng Công tố Israel. Theo đó, luật này sẽ mở đường cho Israel thừa nhận khoảng 4.000 ngôi nhà định cư được xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất của người Palestine. Nếu như luật này được duy trì, nó sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với Israel, đồng thời gây phương hại nghiêm trọng tới giải pháp hai nhà nước và nền hòa bình giữa người Arab và Israel. Giải pháp hai nhà nước vốn được cộng đồng quốc tế coi là nguyên tắc nền tảng cho hòa bình tại Trung cận Đông.
Ông Mladenov cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng bạo lực diễn ra hàng ngày và những cuộc tấn công kiểu con sói đơn độc nhằm vào công dân Israel. Mới nhất, 6 người Israel đã bị thương trong vụ nổ súng do một thanh niên Palestine 18 tuổi đến từ Nablus (thành phố phía bắc Bờ Tây) thực hiện. Ông Mladenov cho rằng, chính cuộc xung đột Israel - Palestine đã làm sản sinh chủ nghĩa cực đoan trên toàn khu vực. Đồng thời, khuyến nghị Israel có thể tiến hành các bước cần thiết để chấm dứt việc mở rộng và xây dựng các khu định cư nhằm duy trì triển vọng hai nhà nước, trong khi ban lãnh đạo Palestine có thể thể hiện cam kết của mình bằng cách ngăn chặn các vụ tấn công hoặc xúi giục bạo lực. Bằng cách này, hai bên có thể tạo ra một môi trường thích hợp cho các cuộc đàm phán song phương về quy chế cuối cùng và cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ tiến trình đó.
Giải pháp duy nhất
Ông Mladenov nhấn mạnh, tình trạng bạo lực tại dải Gaza tiếp tục làm trầm trọng thêm những thách thức về nhân đạo và phát triển, chủ yếu liên quan đến việc Dải Gaza bị phong tỏa. Đặc phái viên LHQ cho biết, trong mùa đông này Dải Gaza rơi vào cảnh thiếu điện trầm trọng, người dân ở đây chỉ được cung cấp điện 2 giờ/ngày…
Để tiến tới hòa bình cho Trung Đông, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, không có giải pháp nào có thể thay thế giải pháp hai nhà nước và cảnh báo từ bỏ giải pháp này chỉ làm gia tăng xung đột Israel - Palestine. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bác bỏ các thông tin cho rằng Mỹ từ bỏ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel - Palestine. Phát biểu sau cuộc họp tại HĐBA LHQ, bà Haley nhấn mạnh, Mỹ hoàn toàn ủng hộ giải pháp hai nhà nước, song phải có hướng đi sáng tạo mới. Trước đó, một quan chức cấp cao Nhà Trắng phát biểu, Mỹ không nhất thiết theo đuổi giải pháp một nhà nước Palestine bên cạnh Israel và sẽ không gây sức ép để buộc Israel phải đàm phán với người Palestine.
Anh, Pháp và Thụy Điển cũng tái khẳng định sự ủng hộ nhà nước Palestine như một phần của thỏa thuận cuối cùng. Đại sứ Thụy Điển Olof Skoog cảnh báo tình hình sẽ rất nguy hiểm nếu bác bỏ ý tưởng giải pháp hai nhà nước, nhất là trong bối cảnh không có lựa chọn khả quan hơn. Đại sứ Pháp Francois Delattre cũng cho rằng, trường hợp nhà nước Palestine không tồn tại sẽ mở cánh cửa cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố hoạt động nhiều hơn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đề cập về một nhà nước tối thiểu, theo đó người Palestine có quyền tự trị lớn - một kiểu nhà nước nhưng không có đầy đủ chủ quyền. Trong khi đó, người Palestine muốn một nhà nước độc lập bên trong các phần lãnh thổ Bờ Tây và Dải Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)