Kháng kháng sinh ngày càng tăng
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM đang điều trị cho ông N.N.C. (56 tuổi, ngụ Bình Thuận) nhiễm nhiều virus kháng thuốc nghiêm trọng. Bệnh nhân nhập viện do bị sốt, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, người trực tiếp điều trị, cho biết, dù bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng nhưng tình trạng ngày càng diễn tiến nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả cấy vi sinh cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi trùng đa kháng bắt buộc phải sử dụng kháng sinh rất mạnh là Carbabenem - kháng sinh phổ rộng có thể điều trị các tác nhân đa kháng hiện nay. Tuy nhiên, sau một thời gian, bệnh nhân lại nhiễm một vi trùng đa kháng nguy hiểm khác là Pseudomonas, phải sử dụng kháng sinh chuyên biệt. “Thông thường khi sử dụng đến kháng sinh chuyên biệt, bệnh nhân sẽ phục hồi sau 7-10 ngày nhưng trường hợp này mất đến 25 ngày mới có kết quả”, bác sĩ Xuân cho hay.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm. Ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm. Ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Ước tính đến năm 2050, tỷ lệ tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể lên đến 10 triệu người/năm. |
Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Hiện nay, kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị cho con người mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập niên, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng thuốc. “Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho nhân loại, là mối hiểm họa đối với sự sống còn của con người, với sức khỏe cộng đồng, với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, kháng thuốc ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và cả nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cho cả con người và vật nuôi đang là thực trạng đáng báo động tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất vẫn hiệu quả, Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4. Từ thực tế này, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo, cần phải có kế hoạch quản lý sử dụng kháng sinh trước khi quá muộn.
“Mọi người trong cộng đồng cần tham gia vào làm chậm quá trình đề kháng kháng sinh để thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta còn kháng sinh hiệu quả khi mắc bệnh nhiễm trùng. Dự báo, đến năm 2050, mỗi năm trên toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu người chết liên quan đến kháng thuốc, do đó chúng ta phải hành động ngay hôm nay, đặc biệt là quản lý việc sử dụng kháng sinh”, TS Vĩnh Châu cảnh báo.