Kết quả nghiên cứu khoa học về nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới do tạp chí y khoa Anh Lancet tiến hành cho thấy ô nhiễm không khí làm 1,2 triệu người chết sớm ở Trung Quốc trong năm 2010, chiếm 40% tổng số người chết trẻ toàn cầu.
Nói một cách khác, do ô nhiễm, dân số Trung Quốc mất tổng cộng 25 triệu năm sống lành mạnh. Các nhà nghiên cứu cho biết ô nhiễm môi trường không khí là yếu tố nguy cơ thứ tư gây tử vong ở Trung Quốc trong năm 2010, sau chế độ ăn uống, huyết áp cao và hút thuốc. Ô nhiễm không khí xếp hạng thứ bảy trong danh sách các yếu tố nguy cơ trên toàn thế giới, làm 3,2 triệu người chết trong năm 2010. Trong năm 2011, Tổ chức y tế thế giới ước tính có khoảng 1,3 triệu người chết sớm ở các thành phố trên toàn thế giới vì ô nhiễm không khí ngoài trời.
Tháng 3-2013, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thuộc LHQ có trụ sở tại Paris đã cảnh báo rằng ô nhiễm không khí ở đô thị trở thành nguyên nhân môi trường gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới vào năm 2050, trên cả ô nhiễm nước và tình trạng thiếu vệ sinh. Tại các thành phố của Trung Quốc, dân chúng bắt đầu phẫn nộ với mức độ ô nhiễm không khí đang ở mức không thể chấp nhận. Thời gian qua, mức ô nhiễm không khí lên mức kỷ lục ở các thành phố phía Bắc Trung Quốc khiến báo chí phải vào cuộc. Các báo liên tục chạy tít lớn đầu trang các bài viết về sự kiện này. Đã có nhiều giải pháp nhưng xem ra tình hình chưa được cải thiện.
Trong tháng 2-2013, các cơ quan chức năng tại Trung Quốc đã công bố lộ trình tiêu chuẩn hóa nhiên liệu theo xu hướng giảm ô nhiễm nhưng các công ty dầu khí đầy quyền lực đã ngăn chặn hoặc lơ là để tiết kiệm chi phí. Các quan chức Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc công bố số liệu thống kê ô nhiễm không khí nhưng gần đây, việc công bố tình trạng ô nhiễm tại nhiều thành phố chậm lại.
Tuần trước, báo cáo tin tức chính thức của Trung Quốc cho biết chi phí chi cho việc khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường trong nước là khoảng 1.540 tỷ NDT (tương đượng 230 tỷ USD) trong năm 2010, chiếm 3,5% GDP. Con số này cao gấp 3 lần năm 2004. Nhưng theo báo International Herald Tribune, đây chưa rõ là đã tính đến chi phí chăm sóc sức khỏe và gánh nặng của người thân với những người chết sớm do ô nhiễm hay chưa. Ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và đất cũng ngày càng cao.
Mới đây, hàng chục ngàn xác heo thả trên con sông là nguồn nước uống của hàng triệu người ở thành phố Thượng Hải đã gióng lên hồi chuông báo động. Trong tuần qua, Truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết nông dân tại tỉnh Hà Nam đã dẫn nước từ một xưởng sản xuất giấy để tưới lúa mì. Ngay cả người nông dân ở đây cũng không dám ăn thứ lúa mì này vậy mà nó vẫn được đưa đi nhiều nơi để bán.
Chính vì tình trạng ô nhiễm do tăng trưởng nóng gây ra, chính sách của Chính phủ Trung Quốc chuyển nền kinh tế từ phát triển nóng sang phát triển bền vững trở nên cấp bách hơn. Chính phủ nước này vừa đưa ra kế hoạch 3 năm cắt giảm ô nhiễm trên nhiều phương diện. Theo chính quyền thành phố Bắc Kinh, chỉ riêng việc chi tiêu nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, tiêu hủy rác và trồng cây ở thành phố này cũng phải mất 16 tỷ USD trong 3 năm.
Thụy Vũ