Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủng loại nhập về cũng nhiều hơn với khoảng 4.100 loại thuốc trừ sâu và gần 5.000 loại nguyên liệu. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới 53,4% tổng khối lượng nhập khẩu.
Các chuyên gia lo ngại, số lượng và chủng loại thuốc BVTV ngày càng tăng sẽ khiến môi trường, hệ sinh thái gặp nhiều nguy hiểm, chưa nói đến việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV chưa chắc đã tăng năng suất và thu nhập.
Vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng không được thu gom xử lý mà đem vứt khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường
Có bảo vệ được thực vật?
TS Phạm Văn Hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng lệ thuộc vào thuốc BVTV là lựa chọn sai lầm. Một minh chứng cho sự tai hại trong lạm dụng thuốc BVTV là câu chuyện từ Indonesia vào năm 1986, khi nước này đối mặt với dịch rầy nâu trầm trọng.
Bộ Nông nghiệp Indonesia đã yêu cầu Chính phủ trợ giúp nông dân kiểm soát dịch bằng cách trợ giá thuốc BVTV nhưng không ngờ rằng kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học sau đó đã cho thấy thuốc trừ sâu là nguyên nhân gây tác hại đối với hệ sinh thái thay vì giải pháp đối với dịch rầy nâu. Từ đó, Bộ Tài chính nước này đã yêu cầu Chính phủ dừng chương trình trợ giá thuốc trừ sâu cho nông dân, bởi lẽ chương trình tiêu tốn khoản ngân sách trị giá hàng trăm triệu đôla nhưng lại tạo ra hiệu quả… ngược!
TS Phạm Văn Hội nhận xét, rõ ràng thuốc BVTV không có lợi cho cả con người và sự bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp, nhưng hiện nhiều nhà quản lý và khoa học ở Việt Nam vẫn cho rằng, thuốc BVTV là cần thiết để duy trì, thậm chí tăng năng suất cây trồng. Những tác hại đến hệ sinh thái do dùng hóa chất và hình thức canh tác thiếu bền vững khác, thường được bù đắp bằng cách tăng đầu tư hóa học hoặc cơ khí. Ban đầu, hiệu quả của các phương án này rất cao vì các dịch vụ sinh thái của hệ sinh thái chưa bị phá hủy. Tuy nhiên theo thời gian, hiệu quả này giảm dần, thậm chí đến mức không còn hiệu quả tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều địa phương của Việt Nam đã vấp phải tình trạng này như tỉnh Sơn La từng là vùng trồng bắp (ngô) nổi tiếng, giúp người dân có thu nhập và cuộc sống tốt hơn. Nhưng hiện nay, người dân Sơn La đang phải đối mặt với thu nhập từ trồng bắp giảm sút vì nhu cầu phân bón trên đơn vị diện tích đã tăng lên, chi phí đầu tư cũng cao hơn.
Tương tự, nhiều người trồng rau ở TP Đà Lạt cũng cho biết, thu nhập từ sản xuất rau/vụ đã giảm đi rất nhiều trong những năm gần đây do chi phí sử dụng hóa chất đầu vào tăng. Đi kèm với chi phí đầu tư tăng là tình trạng thực phẩm không an toàn và môi trường sống bị ô nhiễm.
Hiện tượng sử dụng thuốc BVTV tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân chính là hiệu quả sử dụng thuốc giảm do tính kháng thuốc tăng và các yếu tố tự nhiên bị hủy hoại do tác động của đầu vào hóa học cũng làm tăng mức độ tổn thương và rủi ro hơn nữa cho cây trồng. Trước tình thế đó, người dân buộc phải dùng tăng liều lượng và tần suất để tăng năng suất cây trồng. Cứ thế, việc giảm hiệu quả lại tăng thuốc trở thành vòng lẩn quẩn không dứt, chỉ có nông dân là chịu thiệt hại.
“Ăn mòn” hệ sinh thái
Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra cảnh báo rằng, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… và các loại thuốc BVTV khác đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm đất, nguồn nước, làm suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 30.000 - 40.000 tấn thuốc BVTV; lượng lớn hóa chất tồn dư không thể hấp thụ một phần ngấm lại trong đất, một phần chảy theo nước mưa ra các sông suối… Chưa kể tình trạng vỏ bao bì, chai lọ sau khi sử dụng không được thu gom xử lý mà đem vứt khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Phân bón và thuốc BVTV là một trong những yếu tố góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Đồng Nai, dòng sông nuôi sống hơn 20 triệu người.
Thời gian qua, cả nước nổi lên hiện tượng đất nông nghiệp bị chuyển đổi để phát triển sân golf. Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để chăm sóc bảo dưỡng các sân golf phải sử dụng 60m3 nước ngầm/ha tưới mỗi năm và lượng lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu mà tồn dư của nó gây ô nhiễm môi trường, kéo theo nguồn nước và nông sản bị nhiễm độc.
Gần đây, các dòng sông ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với ô nhiễm trầm trọng do quá trình nuôi cá tra, basa theo hình thức công nghiệp với mật độ nuôi cao nhưng không xử lý sự dư thừa thức ăn cho cá, sản phẩm bài tiết từ cá nuôi và các loại thuốc khử ao đã dẫn tới ô nhiễm hữu cơ, tác động tới hệ sinh thái và quần xã thủy sinh. Hiện tại, cả nước có 240 điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn 15 tỉnh, trong đó 23 điểm tồn lưu thuộc khu vực đô thị các tỉnh chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, thuốc BVTV có nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến ở Việt Nam và không được kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố do chúng đã tiêu diệt các hệ động vật không xương sống - là các mắt xích ở bậc thấp trong chuỗi thức ăn của các loài chim.
Theo TS Phạm Văn Hội, trong thực tế, lợi ích của người sản xuất đạt được sẽ cao nhất khi hệ sinh thái chưa ô nhiễm, vì khi đó, họ thu nhận được nhiều lợi ích của các dịch vụ sinh thái (ví dụ, kiểm soát sinh học, tái tạo đất và dinh dưỡng đất, khả năng giữ nước của đất, thụ phấn...). Có nhiều bằng chứng về sản xuất nông nghiệp ít phụ thuộc vào các đầu tư hóa học là khả thi về mặt kinh tế, sinh học và xã hội. Chẳng hạn trường hợp Indonesia sau khi giảm lượng thuốc BVTV, năng suất cây trồng tăng lên tới 12% so với trước đây. So với những người dân sử dụng thuốc BVTV, nông dân trồng cải bắp cắt giảm 80% lượng thuốc sâu, 90% lượng thuốc trừ nấm nhưng năng suất lại tăng 7,6%. Nông dân các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy… cũng giảm lượng thuốc BVTV tới 33%-37% nhưng năng suất cây trồng nhìn chung vẫn được duy trì ổn định.