
Được xem là mạch máu của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, các NH nội địa vẫn đang loay hoay, chưa tìm ra hướng đi riêng.
Phát triển dịch vụ còn hạn chế

Năm 2007 tiếp tục là năm thành công của các NHTM Việt Nam. Tốc độ tổng tài sản đạt trên 30%, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dự kiến cao hơn năm 2006. Nhờ đó, mặc dù vốn điều lệ của các NH tăng khá nhanh nhưng tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có (ROE) vẫn tiếp tục tăng, nhất là các NH quốc doanh.
Khả năng sinh lời cao của khu vực NH còn do chất lượng tài sản tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể; đồng thời thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu nhập của NH, khoảng 40% (tỷ lệ này cách đây 5 năm chỉ 10%). Năm 2007 cũng là năm hệ thống mạng lưới (chi nhánh, điểm giao dịch) phát triển mạnh ở hầu hết các NHTM với tham vọng bành trướng thị phần bán lẻ và dịch vụ tài chính trong trung hạn trước khi cạnh tranh ở khu vực này trở nên gay gắt.
Về năng lực quản trị, công nghệ và tiềm lực tài chính, NH đã có những bước tiến đáng kể so với vài năm trước đây. Song điểm đáng quan tâm nhất trong hoạt động NH vẫn là hệ thống quản trị rủi ro còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tính chuẩn mực và tính chuyên nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. |
Sản phẩm dịch vụ tài chính đang là vấn đề được hầu hết các NHTM nội địa quan tâm. Tuy nhiên việc phát triển dịch vụ loại này còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống thanh toán lạc hậu, thu nhập của dân cư thấp, thói quen mở tài khoản thanh toán tại các NH còn rất xa lạ với hầu hết tầng lớp trung lưu trở lên. Hiện nay năng lực phát triển dịch vụ tài chính mới của các NHTM nội địa còn hạn chế, đặc biệt là dịch vụ NH bán lẻ, dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái và rủi ro tài chính khác cho các DN còn rất yếu.
Ngoài ra, các NHTM không có bộ phận nghiên cứu và phát triển (S&D) hoặc chi phí dành cho lĩnh vực này rất nhỏ. Điều này cũng chứng tỏ mức độ quan tâm của các NHTM nội địa đến việc phát triển dịch vụ tài chính mới còn rất hạn chế. Theo tôi, để hội nhập hiệu quả, các NHTM cần phải bắt đầu từ đây. Trước hết là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, xây dựng chiến lược marketing và chiến lược tài chính riêng theo thế mạnh từng NH. Có như vậy các NH nội địa mới có thể cạnh tranh được với các NH nước ngoài về các dịch vụ phi tín dụng.
Quản trị theo chuẩn mực quốc tế
Hiện nay NHNN Việt Nam đang tập trung sửa đổi Nghị định 49 của Chính phủ về quản trị DN trong lĩnh vực NH theo hướng áp dụng hầu hết các chuẩn mực của Tổ chức các nước phát triển quốc tế (OECD) về quản trị DN. Về căn bản, nghị định này sẽ được áp dụng cho tất cả các NH cổ phần, kể cả các NH quốc doanh mới được cổ phần hóa. Những nguyên tắc chủ đạo của Nghị định mới này nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và ban điều hành của các NH.
Ngoài ra, nghị định này cũng đưa ra các vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng hệ thống, thể chế quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro và các cơ quan giám sát nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích của cổ đông nhỏ. Nếu nghị định này được công bố thì đây là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quản trị NHTM hiện đại, làm thay đổi căn bản những thói quen, văn hóa quản lý lâu nay vẫn áp dụng.
Nhà nước đã có kế hoạch cổ phần hóa các NH quốc doanh trong năm 2007 -2008, trong số này có 4 NH quốc doanh lớn chiếm tới 66% thị phần tiền gửi. Các NH này sau khi cổ phần hóa vẫn tiếp tục là trụ cột của hệ thống tài chính Việt Nam. Vì vậy, chắc chắn Nhà nước vẫn còn giữ một tỷ lệ cổ phần chi phối.
Vấn đề còn lại là tỷ lệ cổ phần chi phối là bao nhiêu. 70% cũng có thể là chi phối và 25-35% cũng có thể là chi phối. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bối cảnh kinh tế để quyết định. Chẳng hạn ở Singapore có 3 NH nội địa chiếm 60% thị phần tiền gửi, trong đó cổ phần của Chính phủ là cổ phần chi phối cao nhất, chiếm 27% ở NH Phát triển Singapore và khoảng 13-14% ở 2 NH còn lại. Có thể về lâu dài, Việt Nam sẽ đi theo hướng này.
Xây dựng định hướng
Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam được xây dựng khá thoáng. Các NHTM được phép hoạt động tất cả các lĩnh vực dịch vụ tài chính ngoại trừ kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên cách hành xử luật pháp hiện nay thì không thông thoáng do hầu hết các dịch vụ tài chính đều được cấp phép bởi NH Trung ương. Đây là vấn đề mà các nhà kinh tế học phương Tây gọi là bi kịch giữa “nội dung và hình thức”. Với một bộ luật như vậy thì các NHTM sẽ có xu hướng trở thành những tập đoàn tài chính một cách tự nhiên, mặc dù phải qua nhiều lần xin phép.
Có nhiều người cho rằng ở Việt Nam chưa có luật về tập đoàn. Điều đó không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Một tập đoàn tài chính phải hoạt động với 3 trụ cột: NH, bảo hiểm, chứng khoán. Cả 3 trụ cột này đều đã có luật chuyên ngành điều chỉnh. Một số các vấn đề khác có liên quan đến tổ chức, quản trị, cổ đông, cổ phiếu… cần có quy định chặt chẽ bằng điều lệ của tập đoàn. Như vậy chỉ cần một Nghị định khung về tập đoàn trên cơ sở xâu chuỗi các luật như luật DN, Nghị định 139 về công ty mẹ, công ty con…
Vấn đề cần phải quan tâm hiện nay là việc giám sát tình trạng cho vay nội bộ, đầu tư chéo trong nội bộ tập đoàn vốn là nguyên nhân của nhiều cuộc khủng hoảng NH. |
Sự ra đời của hệ thống NH phải tương thích với nhu cầu về dịch vụ mà NH đó cần cung cấp. Ví dụ, ở châu Âu và ở Hoa Kỳ số lượng các NH nội địa rất lớn thì số lượng NH nước ngoài ít đi. Trái lại ở châu Á, số lượng NH nội địa ít, số lượng NH nước ngoài nhiều hơn. Điều quan trọng là các NH nội địa Việt Nam cần phải bắt được mạch phát triển của đất nước. Mạch đó thể hiện trên 2 khía cạnh: Thứ nhất, trong một nền kinh tế phát triển nhanh thì tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất. Nhu cầu dịch vụ NH của tầng lớp này cũng lớn nhất, bao gồm NH tiêu dùng, dịch vụ thanh toán, dịch vụ tư vấn… Một nền kinh tế phát triển thì DN vừa cũng phát triển nhanh nhất.
DN loại này thường có nhiều dự án kinh doanh và có nhu cầu vay vốn NH thường xuyên.Tuy nhiên loại hình DN này có tình trạng tài chính luôn biến động do khả năng vốn tự có yếu kém. Vì vậy họ là loại khách hàng quan trọng của NH, không chỉ về vốn mà cả dịch vụ tư vấn tài chính, quản lý dòng tiền, tư vấn dự án, tư vấn thu xếp vốn…
Các NHTM nội địa cũng phải chú trọng đến dịch vụ tín dụng truyền thống và các phương thức tài trợ thương mại mới. Mỗi NH cần xây dựng cho được định hướng chiến lược, trong đó phải gắn bó mật thiết với xu thế phát triển đất nước. NH sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển đó và ngược lại. Tôi xin lưu ý rằng “lỗ lãi là nhất thời, thị phần là vĩnh viễn”. Các NHTM lớn cần phát triển hoạt động ra nước ngoài, là điều tối cần thiết. Sự thành công của Citigroup từ năm 1976 đến nay chính là nhờ chiến lược biến Citibank thành NH toàn cầu.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Vụ trưởng Vụ chiến lược NHNN