Hết lòng vì đồng đội

Từ Mặt trận 479 chiến trường Campuchia trở về, năm 1986 cựu chiến binh Nguyễn Hoài Nam (quê Hà Nội, hiện ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) đã bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội còn nằm lại ở các chiến trường. Ngoảnh lại đến nay đã gần 30 năm anh in dấu đôi bàn chân khắp nẻo quê hương để gắn bó với công việc thiêng liêng này…
Hết lòng vì đồng đội

Từ Mặt trận 479 chiến trường Campuchia trở về, năm 1986 cựu chiến binh Nguyễn Hoài Nam (quê Hà Nội, hiện ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) đã bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội còn nằm lại ở các chiến trường. Ngoảnh lại đến nay đã gần 30 năm anh in dấu đôi bàn chân khắp nẻo quê hương để gắn bó với công việc thiêng liêng này…

Cựu chiến binh Nguyễn Hoài Nam (áo đen) trong tình thương của bà con nông dân Long An.

Cựu chiến binh Nguyễn Hoài Nam (áo đen) trong tình thương của bà con nông dân Long An.

Một lần về thăm quê, thấy gia đình liệt sĩ Lê Văn Tế hy sinh tại chiến trường miền Nam từ năm 1973, nhưng suốt mấy chục năm từ ngày giải phóng đến nay, gia đình liệt sĩ Tế vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân. Không cầm lòng, anh Nam quyết tâm đi tìm cho được hài cốt liệt sĩ Tế. Anh đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên rồi Phan Thiết, Bình Thuận, Đồng Tháp Mười... Cứ ai mách bảo ở đâu có liệt sĩ vô danh đang nằm lại là anh tìm đến. Chiến trường bao la, đi lại vất vả, cảnh vật thay đổi nhiều nên cuộc tìm kiếm có lúc tưởng chừng vô vọng.

Rồi như có tâm linh mách bảo, một lần Nam lặn lội đến chiến trường Long An. Đang đứng trên cầu Kênh 79 thuộc huyện Thạnh Hóa, có một bác nông dân phúc hậu tên Tư Xẹn đến gần hỏi: “Có phải chú đi tìm liệt sĩ không?”. Mừng quá, Nam vội đáp: “Dạ phải”. Lập tức bác nông dân chèo xuồng đưa anh Nam vào khu miếu Bắc Bỏ nằm sâu trong vùng bưng mênh mông sông nước. Bác Tư Xẹn vừa đi vừa kể: “Ở đây có các liệt sĩ hy sinh đúng ngày mà chú em đang tìm kiếm đó. Hàng năm bà con trong vùng vẫn thường làm đám giỗ để các anh phù hộ cho nông dân mạnh khỏe, làm ăn trúng mùa…”. Biết đây đúng là nơi có liệt sĩ Tế hy sinh, anh Nam liền báo tin cho người nhà từ Hà Nội bay vào để “gặp” con em mình, dù thân xác liệt sĩ đã hòa tan vào đất.

Từ việc tìm kiếm được liệt sĩ Tế sau bao năm bặt vô âm tín, anh Nam phát hiện gần 30 liệt sĩ khác của Trung đoàn 207, Sư đoàn 8 cũng hy sinh tại đây trong một cuộc hành quân bị địch phát hiện và dùng pháo đổ chụp. Là người có công đầu trong việc tìm kiếm gần 30 liệt sĩ hy sinh tại ấp Đá Biên, nhiều năm liền anh Nam tự bỏ công sức, tiền của để đi tìm và xem đó là trách nhiệm của người còn sống đối với người đã hy sinh vì Tổ quốc. “Đã 38 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng đến nay mà vẫn còn nhiều gia đình chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Tôi thấy xót xa lắm nên cố gắng làm tất cả những gì có thể được để bù đắp nỗi đau chiến tranh…”, anh Nam tâm sự.

Hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của anh Nguyễn Hoài Nam tuy vất vả nhưng bù lại, anh được bà con tin yêu như người ruột thịt. Các anh chị: Năm Dây, Tư Tờ, Tư Xẹn, Hai Hùng, Tám Loan… ở tỉnh Long An đều cùng nhận xét: “Anh Nam là người có tấm lòng vàng, không chỉ lo cho liệt sĩ đã khuất mà còn giúp đỡ cả những nông dân nghèo chúng tôi qua cơn hoạn nạn, dù không giàu có. Anh đã giúp một nông dân hàng chục triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất, giúp bà con nghèo khác có tiền sửa nhà, mua xuồng, thậm chí còn rước một số bà con lên TP chữa bệnh…”. Chính vì tình nghĩa đó mà mỗi lần thấy anh về, bà con lại í ới gọi nhau, tạm gác công việc đồng áng để chèo xuồng đến gặp anh. Với anh, đó là món quà tinh thần vô giá mà không phải ai cũng có được.

Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục