Dù còn hơn 2 tháng rưỡi nữa mới đến Tết Tân Mão, nhưng từ hôm qua 16-11, chuyện vé tàu tết đã thật sự “nóng” lên. Hàng chục ngàn vé tàu phục vụ người dân đi lại trong những ngày cao điểm giáp tết gần như được đặt hết chỗ.
Không còn chỗ?
Mới khai trương bán hơn 1 ngày đêm (ngày 15-11) - ngày đầu tiên ga Sài Gòn bán vé tàu tết qua mạng, sáng 16-11, theo ghi nhận của PV tại ga Sài Gòn, rất đông hành khách ngồi nhắn tin chờ mua vé trực tiếp, vì hầu hết những hành khách này không vào được hệ thống www.vetau.com để đăng ký mua vé. Trong khi đó, nhiều hành khách vào mạng nhưng nhận được thông báo hết vé (chủ yếu các tuyến miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế…).
Bạn Nguyễn Vũ Huy quê Đà Nẵng rầu rĩ cho biết: Tôi vào mạng đặt vé Sài Gòn - Đà Nẵng cả buổi sáng hôm qua (15-11) không được, nên sáng nay ra ga truy cập ngay tại máy tính của ga hòng mua được vé nhưng chỉ nhận được thông tin phản hồi đã hết chỗ. Không mua được vé đi vào ngày 26-12 Âm lịch, tôi chuyển qua ngày 27 và 28 cũng đều nhận được phản hồi hết chỗ.
Trong số các loại phương tiện đi lại trong mỗi dịp tết, tàu lửa được xem là loại hình người dân chuộng nhất, bởi tính an toàn cao, giá vé phù hợp với túi tiền của người lao động. Có lẽ vì thế, đến nay tuy ga Sài Gòn đã bán gần như hết số lượng vé tàu trong kế hoạch phục vụ tết (khoảng 80.000 vé), song vẫn không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đợi mua vé... vớt
Đến chiều tối 16-11, mặc dù bán vé qua mạng nhưng có rất nhiều người tập trung tại các cửa quầy vé tại ga Sài Gòn với hy vọng tìm mua được vé nhưng hầu hết đều thất vọng ra về. Hiện nhà ga vẫn tiếp tục phân bổ vé cho một số đơn vị tập thể còn lại, sau khi phân bổ xong, nếu lượng vé vẫn còn, ga tiếp tục cho bán tự do để người dân có nhu cầu mua trực tiếp.
Phiếu đặt chỗ có thời hạn thanh toán tiền là 5 ngày kể từ ngày đặt chỗ thành công. Số lượng chỗ đặt qua website đã lấy vé từ ngày 15 đến 16 giờ ngày 16-11: Tàu xuất phát từ TPHCM là 24.407 chỗ, khứ hồi 7.230 chỗ. Thanh toán tiền tại ga, đại lý: 28.415 chỗ. Thanh toán tiền ngân hàng 3.222 chỗ. Khoảng 100.000 vé tàu được bán ra trong dịp tết (trong đó 15% ga Hà Nội bán khứ hồi, 20% bán tập thể, 5% giải quyết các vé trùng chỗ); còn lại 65.000 - 67.000 vé (trong đó, 35.000 vé bán các ngày cao điểm ngày 22 đến 28-12 Âm lịch, còn lại vào các ngày thấp điểm từ ngày 16 đến 21-12 Âm lịch). |
Theo ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty Khách Sài Gòn, năm nay hành khách không chỉ vào website để đặt chỗ mua vé khởi hành tại ga Sài Gòn đi các ga khác, mà có thể đặt chỗ mua vé khởi hành tại các ga thuộc công ty quản lý như: Ga Biên Hòa, Tháp Chàm, Nha Trang, Diêu Trì, Đà Nẵng... đi đến các ga khác.
Riêng tàu số chẵn (chiều Sài Gòn - Hà Nội) đi vào các ngày cao điểm giáp tết (từ 22 đến 28-12 Âm lịch), công ty đưa lên website khoảng 100.000 chỗ khởi hành tại ga Sài Gòn và khoảng 30.000 chỗ khởi hành tại các ga khác thuộc công ty quản lý. Ngoài số chỗ đi vào những ngày cao điểm, công ty cũng đưa lên website số chỗ của những ngày thấp điểm (từ 21-12 Âm lịch trở lại đây) để hành khách có nhu cầu đặt chỗ.
Nhằm tránh tình trạng các đối tượng đặt chỗ để đầu cơ, khi phát hiện những biểu hiện nghi ngờ, Công ty Khách Sài Gòn sẽ yêu cầu người đi mua vé hoặc nhận vé xuất trình giấy tờ của người đặt chỗ. Nếu có bằng chứng về việc đầu cơ vé, công ty sẽ hủy toàn bộ số phiếu đặt chỗ của khách hàng (người đặt chỗ), đồng thời khóa account của khách hàng này.
Bên cạnh đó, đối với những khách hàng đặt chỗ để đầu cơ, đặt chỗ ảo (không mua vé, không trả lại chỗ, khai báo tên, số giấy tờ không thực tế...) sẽ bị khóa tài khoản.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn, cảnh báo người dân không tin theo lời mời chào của cò vé mà đặt tiền cọc, coi chừng mua nhầm vé tàu giả. Ga Sài Gòn phối hợp với Công an phường 9 quận 3 đang theo dõi các đối tượng chuyên làm cò vé, đồng thời tăng cường kiểm tra, không cho các đối tượng cò vé vào bên trong khuôn viên ga Sài Gòn hoạt động.
Năm nay, ga Sài Gòn quyết định in tên, số giấy CMND người đi tàu các ga đến thuộc các ga từ Quảng Ngãi đến Hà Nội, thay vì từ Vinh trở ra đến Hà Nội như những năm trước. Tương tự, đối với tàu số lẻ sau tết cũng in tên, số giấy CMND người đi tàu có ga đến thuộc các ga từ Nha Trang trở vào đến TPHCM.
Những trường hợp người đi tàu không trùng khớp với tên, số giấy CMND in trên tấm vé sẽ không được lên tàu.
Quốc Hùng
Ngành đường sắt: Lực bất tòng tâm Trước bức xúc của dư luận về tình trạng khó khăn khi mua vé tàu tết, chiều 16-11, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Ông Tuyên cho rằng, xét về toàn diện, hạ tầng đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu người dân và ngành đường sắt đang trong cảnh “lực bất tòng tâm”. - Phóng viên: Ngày đầu tiên bán vé tàu tết qua mạng, nhiều người không thể truy cập để đặt mua được vé... Tại sao đã 2 lần nâng cấp, hạ tầng mạng vẫn bị rơi vào tình trạng nghẽn? Ông NGUYỄN HỮU TUYÊN: Theo thống kê của Ban quản trị mạng, trong ngày 15-11, lượng khách kết nối đồng thời vào mạng vetau.com.vn có lúc đỉnh điểm lên tới 60.000 người, vượt ngoài dự kiến và vượt xa khả năng đáp ứng của chúng tôi. Ngay sau đó, chúng tôi đã khẩn cấp đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ nâng cấp tốc độ đường truyền và tài nguyên máy chủ lên gấp đôi nên ngày 16-11 việc mua vé qua mạng đã dễ dàng hơn. Mạng dung lượng lớn mà lại chỉ sử dụng trong thời gian ngắn rồi sau đó để không hoặc sử dụng rất ít vì không còn vé để bán thì có nên hay không? Chúng tôi chỉ có khoảng 80.000 vé tàu bán qua mạng. Nếu lượng vé này bán rải đều ra trong khoảng 4 - 5 ngày, hạ tầng mạng của chúng tôi đã có thể đáp ứng được nhưng trong thực tế, hành khách đã dồn quá nhiều vào ngày đầu tiên dẫn đến quá tải. - Ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm của ngành đường sắt trong việc nghẽn mạng, quá tải? Về sự cố nghẽn mạng trong ngày đầu tiên bán vé tàu tết, chúng tôi cũng nhận trách nhiệm là đã không lường được lượng người truy cập lớn đến như vậy. Lẽ ra, ngành đường sắt và các đơn vị thành viên, trực tiếp là Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn phải phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền rộng rãi để người dân bình tĩnh hơn, không nên dồn cục nhu cầu vào ngày đầu tiên, tránh tình trạng nghẽn mạng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền người dân hiểu rõ hơn về các phương thức bán vé tàu hiện nay. Hiện ngoài việc bán vé qua mạng, chúng tôi còn triển khai nhiều hình thức bán vé khác như bán vé qua tin nhắn, bán tại nhà ga, bán vé qua các đại lý, qua điện thoại… Người dân có thể chủ động chọn lựa hình thức mua vé phù hợp. Sau sự cố này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm những hình thức bán vé tàu tết khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. - Vậy làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này? Theo tôi, cốt lõi của vấn đề vẫn là sự phát triển hạ tầng của ngành ĐSVN chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi nhu cầu đi lại bằng đường sắt vẫn tăng khoảng 20%/năm thì đã nhiều năm nay số lượng chỗ cung ứng cho dịp tết của ngành đường sắt vẫn giậm chân tại chỗ. Các giải pháp cắt tàu địa phương, nối thêm toa, chuyển đổi ghế nằm thành ghế ngồi, đặt thêm ghế phụ… cũng chỉ là các giải pháp tình thế với số lượng chỗ tăng không đáng kể. Vấn đề ở đây là cần nâng cấp hạ tầng ĐSVN tương ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Bích Quyên (thực hiện) |
>> Ngày đầu tiên bán vé tàu tết qua Internet: Khó đặt chỗ